Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Tiền lương - Tiền công

Quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, dành 680 nghìn tỷ cải cách tiền lương

Thành Công
Thành Công

(Dân sinh) - Báo cáo trước Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp 7 sáng 20/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho hay, quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, Việt Nam bước vào nhóm các nước trung bình cao. Đặc biệt, đến hết năm 2023, đã dành được khoảng 680 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới.

Khái quát đánh giá bổ sung, theo ông Lê Minh Khái, tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2023 tiếp tục phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

tien luong.jpg
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, tính đến hết năm 2023, đã dành được khoảng 680 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới (Ảnh minh họa: MH).

 

Nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn con số đã báo cáo

Một số chỉ tiêu đạt cao hơn số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp 6 vào tháng 10/2023 như tốc độ tăng GDP đạt 5,05% (cao hơn 0,05% điểm). Quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, bước vào nhóm các nước trung bình cao.

Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) tăng 3,25% (số báo cáo năm trước khoảng 3,5%); thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm.

Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, nếu tại kỳ họp 6 báo cáo khoảng 15 tỷ USD, thì cập nhập bổ sung đã tăng lên, khi đạt 681 tỷ USD; xuất siêu 28,3 tỷ USD. 

Đặc biệt, báo cáo đánh giá an sinh xã hội được bảo đảm. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Số hộ gia đình có thu nhập tăng lên và ổn định đạt 94,1%.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng thông tin, nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta. Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng “Ổn định”; xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2023 tăng 12 bậc; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 2 bậc.

Đáng chú ý, theo Phó Thủ tướng, “tính đến hết năm 2023, đã dành được khoảng 680 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới”. Con số này cao hơn con số 560 nghìn tỷ đồng Chính phủ báo cáo vào cuối năm 2023.

Lao động, việc làm phục hồi tích cực

Vẫn theo báo cáo của Chính phủ, từ đầu năm 2024 đến nay, chúng ta tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công với cách mạng, giảm nghèo, nâng cao đời sống Nhân dân.

Song song, việc chi trả chế độ trợ cấp xã hội đầy đủ, kịp thời; hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.  

Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 42 của Trung ương về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội. 

Phong trào thi đua cả nước chung tay “xóa nhà tạm, nhà dột nát” và Tháng Công nhân, Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động được triển khai rộng khắp…

Một điểm sáng tích cực nữa trong lao động, an sinh xã hội được báo cáo của Chính phủ nêu bật, đó là tình hình lao động, việc làm phục hồi tích cực; tăng cường kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ người lao động tìm việc làm; thu nhập của người lao động tăng lên. 

“Quan tâm phát triển thị trường lao động ngoài nước. Các chương trình tín dụng chính sách xã hội tiếp tục được triển khai hiệu quả, góp phần tạo việc làm, sinh kế cho người dân”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh. 

Cũng trong 4 tháng đầu năm 2024, chúng ta đã đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp mới nổi, sản xuất chíp, bán dẫn…

Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, triệt để tiết kiệm chi ngân sách

Để thúc đẩy tăng trưởng, nhiều giải pháp đã được Chính phủ đề ra. Trong đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.

Cạnh đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính; triệt để tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước, nhất là chi thường xuyên; rà soát, kiên quyết cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết.

Chính phủ cũng tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, tập trung chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém; tập trung xử lý các doanh nghiệp, dự án chậm tiến độ, thua lỗ kéo dài.

Đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, liên vùng, nhất là thi công 1.000 km đường bộ cao tốc để phấn đấu đến năm 2025 đưa vào khai thác khoảng 3.000 km, là giải pháp tiếp theo.

Phó Thủ tướng cho biết, trong năm nay trong năm nay Chính phủ tiếp tục hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước trong sạch, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới quản lý công vụ, công chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, liêm chính, thực sự là công bộc của Nhân dân.

Song song là triển khai chính sách tiền lương mới từ ngày 01/7/2024; hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trong tháng 9/2024. 

Chính phủ sẽ hoàn thiện các chế độ, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài; khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khắc phục tình trạng đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm, Phó Thủ tướng cho biết.