Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã chỉ ra nhiều nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm trong năm 2025 của ngành Nội vụ.
Theo đó, năm 2024, Bộ Nội vụ đã chủ trì xây dựng tờ trình và báo cáo trình Bộ Chính trị xem xét, ban hành Kết luận 83 làm cơ sở trình Quốc hội thông qua Nghị quyết 142/2024.
Bộ Nội vụ cũng tham mưu Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Trung ương thảo luận kỹ lưỡng, tính toán các phương án tối ưu, khả thi nhất để báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung cải cách tiền lương theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, hiệu quả.
Cùng đó, thực hiện đầy đủ cải cách chính sách tiền lương khu vực doanh nghiệp; thực hiện 4/6 nội dung cải cách chính sách tiền lương khu vực công.
Trong đó, điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30% (từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng - mức tăng cao nhất từ trước đến nay). Bổ sung 10% tiền thưởng trên tổng quỹ lương cơ bản cho cơ quan, đơn vị, tạo động lực, nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức.
Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội có tác động tích cực đến nhiều nhóm đối tượng trong xã hội được dư luận đồng tình, đánh giá cao.
Về nhiệm vụ trong năm 2025, Bộ Nội vụ cho hay sẽ tiếp tục triển khai các nội dung cải cách chính sách tiền lương theo Kết luận 83/2024 của Bộ Chính trị và xây dựng báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 năm 2025 về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.
Báo cáo của Bộ Nội vụ cũng nêu rõ, năm 2025 nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của toàn ngành là triển khai thực hiện hợp nhất Bộ LĐ-TB&XH với Bộ Nội vụ bảo đảm thống nhất, đồng thuận, dân chủ, công khai, minh bạch.
Song song, làm tốt công tác chính trị, tư tưởng để đội ngũ cán bộ, công chức của Bộ sau khi hợp nhất yên tâm công tác, chấp hành và phát huy giá trị văn hoá cốt lõi của 2 Bộ trước khi hợp nhất để cùng nhau thi đua đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ.
Bộ Nội vụ cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ quan trong khác là tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai phương án sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước bảo đảm khẩn trương để không bị gián đoạn hoặc bỏ sót công việc, nhất là các công việc liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế.
Đặc biệt, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC theo vị trí việc làm; đồng thời tập trung đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ CBCCVC bảo đảm đủ phẩm chất, trình độ và năng lực ngang tầm với nhiệm vụ sau sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các bộ, ngành và địa phương.
Tiếp tục sắp xếp, đẩy mạnh tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành, địa phương bảo đảm mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TW đề ra.
Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế, chính sách liên quan đến tổ chức bộ máy hành chính, cơ chế vận hành, chế độ chính sách đối với đội ngũ CBCCVC đầy đủ, đồng bộ bảo đảm thực hiện mục tiêu hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC sau sắp xếp, tổ chức bộ máy.
Tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc 51 địa phương có Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 đã được UBTVQH thông qua khẩn trương sắp xếp tổ chức, bố trí CBCCVC, xử lý đối với tài sản công sau sắp xếp bảo đảm sớm ổn định để tổ chức Đại hội Đảng các cấp năm 2025;
Đồng thời, tiếp tục rà soát, đề xuất phương án sáp nhập ĐVHC cấp huyện, cấp xã đối với những đơn vị hành chính chưa đủ tiêu chí về diện tích, dân số theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chủ động phương án việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
Tiếp tục cải cách mạnh mẽ chế độ công vụ, công chức; hoàn thiện tiêu chí đánh giá CBCCVC dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao bằng sản phẩm cụ thể, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phục vụ dịch vụ công cơ bản, thiết yếu.
Triển khai chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng vào làm việc trong khu vực công; nâng cao đạo đức, văn hóa công vụ và thực hiện có hiệu quả cơ chế bảo vệ cán bộ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh: "Chúng tôi xin hứa sẽ vượt qua tất cả những khó khăn, thách thức, để quyết tâm, quyết liệt hoàn thành xuất sắc trọng trách của ngành, của bộ".