Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Tiền lương - Tiền công

Từ 1/7, lương tăng bao nhiêu sẽ phụ thuộc việc xây dựng hệ thống lương mới

Thanh Nhung
Thanh Nhung

(Dân sinh) – “Khi cải cách tiền lương, lương tăng bao nhiêu sẽ phụ thuộc việc xây dựng hệ thống lương mới như thế nào, trong quá trình tính toán nhà nước sẽ có các yếu tố, khu vực tham chiếu để quy đổi từ mức lương hệ số sang mức lương bằng tiền theo giá trị công việc”.

Thông tin trên được ông Vũ Hồng Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Quản lý và Phát triển năng lực tổ chức cho biết tại buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách năm 2024 với chuyên đề “Những điểm mới về tiền lương, bảo hiểm xã hội và an toàn, vệ sinh lao động” vừa diễn ra do báo Lao động Thủ đô tổ chức.

2.jpg
Anh Vũ Đức Thắng, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đặt câu hỏi. (Ảnh: BTC).

Quan tâm đến tiền lương của nhóm viên chức có chức danh lãnh đạo và không giữ chức danh lãnh đạo sau cải cách tiền lương, anh Vũ Đức Thắng, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội hỏi: 

“Hiện Trung tâm tôi có 2 nhóm đối tượng: viên chức có chức danh lãnh đạo và không có chức danh lãnh đạo, vậy sau khi cải cách tiền lương thì tiền lương của 2 nhóm đối tượng này được tính như thế nào?”.

Trả lời người lao động, chuyên gia Vũ Hồng Ngọc - Phó Viện trưởng Viện Quản lý và Phát triển năng lực tổ chức thông tin, trước đây chúng ta tính lương theo hệ số, cải cách tiền lương tới đây sẽ bỏ hệ số, quy thành một mức tiền cụ thể. 

“Xếp lương theo vị trí việc làm đòi hỏi các đơn vị việc làm phải có kỹ thuật đánh giá vị trí công việc, ví dụ như sắp xếp xem vị trí của mình có bao nhiêu chức danh, các điều kiện mà chức danh đó phải có thì sẽ tương ứng với mức lương ghi trong Hợp đồng lao động”, ông Ngọc nói.

Ông Ngọc cho hay, khi cải cách tiền lương, lương tăng bao nhiêu sẽ phụ thuộc việc xây dựng hệ thống lương mới như thế nào, trong quá trình tính toán nhà nước sẽ có các yếu tố, khu vực tham chiếu để quy đổi từ mức lương hệ số sang mức lương bằng tiền theo giá trị công việc.

Khi thay đổi cách tính tiền lương, phụ cấp thâm niên của giáo viên bị cắt thì mức lương mới có đảm bảo bằng mức lương cũ? Với câu hỏi này, chuyên gia Vũ Hồng Ngọc cho hay: "Phụ cấp thâm niên nghề là khoản thu nhập tương đối lớn đối với giáo viên. Khi Nhà nước chuyển sang xây dựng tiền lương theo vị trí việc làm thì phụ cấp thâm niên được tính theo yêu cầu công việc".

"Tức là sẽ không còn phụ cấp thâm niên bên ngoài, mà được tính vào giá trị công việc của người đó đang đảm nhiệm. Nhưng về quy định cụ thể thế nào thì sẽ chờ văn bản hướng dẫn", ông Ngọc thông tin.

1.jpg
Chị Nguyễn Thị Hiền, Trường Tiểu học Nghĩa Đô đặt câu hỏi. (Ảnh: BTC).

Quan tâm đến trợ cấp thất nghiệp, chị Nguyễn Thị Hiền, Trường Tiểu học Nghĩa Đô hỏi: “Tôi xin hỏi người lao động nữ sau khi sinh con, hết thời gian nghỉ thai sản không đi làm lại được và xin nghỉ làm thì có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?”.

Về vấn đề này, Trưởng phòng Truyền thông, BHXH Hà Nội Dương Thị Minh Châu phân tích, người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau khi nghỉ việc mà thất nghiệp thì có thể được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định, thoả thuận được với người sử dụng lao động.

Làm rõ thêm, ông Nguyễn Huy Khoa, Phó Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Công đoàn bổ sung: “Với trường hợp không thoả thuận được với người sử dụng lao động, thì người lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”.

Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau: Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn. 

Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng; ít nhất 3 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng. 

“Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ”, ông Khoa nhấn mạnh.