Lễ viếng 13 liệt sĩ hy sinh tại khu vực thuỷ điện Rào Trăng 3 được bắt đầu từ lúc 7h đến 11h ngày 18/10; Lễ truy điệu bắt đầu từ lúc 11h đến 12h cùng ngày. Sau đó, Lễ di quan về địa phương được bắt đầu từ 12h ngày 18/10. Chương trình tang lễ của từng liệt sĩ tại địa phương sẽ do địa phương chủ động tổ chức.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an gửi vòng hoa viếng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dẫn đầu Đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đã vào viếng 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3. Lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Bộ Tư lệnh Quân khu 4, các địa phương có liệt sĩ hy sinh; Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh và nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đến viếng, dâng hương, đưa tiễn các liệt sĩ.
Tại Lễ tang, Thượng tướng Phan Văn Giang cùng các đại biểu đã vô cùng thương tiếc, xúc động, chia sẻ những đau thương mất mát của gia đình thân nhân các liệt sĩ, những đồng chí, đồng đội của các liệt sĩ đã hy sinh. Đây là mất mát vô cùng to lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế nói riêng, cả nước nói chung.
Theo Thượng tướng, từ khi xảy ra vụ sạt lở ở khu vực Tiểu khu 67 làm 13 cán bộ, chiến sĩ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp của Cục Cứu hộ - Cứu nạn Bộ Quốc phòng; Quân khu 4; cán bộ UBND huyện Phong Điền; Phòng Thông tin - Tuyên truyền, Cổng Thông tin điện tử thuộc Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế bị mất tích, Bộ Quốc phòng đã tổ chức mọi phương án để tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.
Theo đó, Quân uỷ Trung ương Bộ Quốc phòng đã cử Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn công tác bay trực thăng vào chỉ đạo Quân khu 4; đồng thời giao Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Quân khu 4 trực tiếp chỉ huy tại hiện trường, phối hợp với chính quyền, cấp uỷ và nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế, huyện Phong Điền để khắc phục hậu quả.
Ngoài ra, qua kênh truyền hình, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã làm việc với Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Bộ cũng đã điều tất cả các lực lượng, phương tiện có thể để giúp tìm kiếm những người gặp nạn.
"Chúng tôi đã rất tích cực nhưng chỉ khắc phục được hậu quả là tìm được những liệt sĩ đã hy sinh, chứ không có biện pháp nào tốt hơn", Thượng tướng Phan Văn Giang nói.
Thứ trưởng Phan Văn Giang cho biết thêm, sau khi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của thân nhân các liệt sĩ, có vợ và người thân của 3 liệt sĩ: Bùi Phi Công, Trần Minh Hải và Đinh Văn Trung có nguyện vọng được vào làm việc trong lực lượng quân đội nhân dân để giải quyết công ăn việc làm, ổn định đời sống. Với những nguyện vọng chính đáng này, Thượng tướng Giang đã đồng ý và yêu cầu các cơ quan, đơn vị, Quân khu 4 hoàn tất hồ sơ, trình sớm để lãnh đạo Bộ Quốc phòng ký duyệt. Mặt khác, Tướng Giang cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ hết sức có thể để giúp gia đình thân nhân các liệt sĩ ổn định đời sống.
Trước đó, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã ký quyết định truy thăng quân hàm Thiếu tướng cho Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu, 1 trong 13 liệt sĩ vừa hy sinh. Truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất cho Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4, Bộ Quốc phòng và Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì và hạng ba cho các chiến sĩ, sĩ quan chuyên nghiệp còn lại.
Truy tặng Huân chương Dũng cảm cho ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế; ông Phạm Văn Hướng, Trưởng Phòng Thông tin - Tuyên truyền, Cổng Thông tin điện tử, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định cấp bằng Tổ quốc ghi công cho 13 liệt sĩ thuộc Bộ Quốc phòng và tỉnh Thừa Thiên - Huế; Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế truy tặng Bằng khen cho 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại khu vực Nhà máy thuỷ điện Rào Trăng 3.
Trước đó, như báo Dân sinh đã đưa tin, ngày 12/10, tại khu vực Nhà máy thuỷ điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) xảy ra vụ sạt lở đất khiến 17 công nhân đang thi công, làm việc tại đây mất tích. Nhận tin báo lực lượng cứu hộ, cứu nạn Bộ Quốc phòng, Quân khu 4, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và huyện Phong Điền lập tức lên đường kiểm tra, xác minh thông tin.
Con đường từ trung tâm xã Phong Xuân dẫn vào khu vực sạt lở dài hơn 35km, khi mưa to kéo dài, nhiều đoạn đường bị sạt lở, nhiều ngầm tràn nước ngập sâu và chảy xiết gây chia cắt. Không chút do dự, với tinh thần khẩn trương ứng cứu nhân dân, đoàn cứu hộ vẫn kiên trì vượt đường núi hiểm trở tiến về phía trước.
Lúc 00h ngày 13/10, một vụ sạt lở nghiêm trọng khác xảy ra tại Tiểu khu 67 làm vùi lấp ngôi nhà của Trạm quản lý bảo vệ rừng thuộc Trạm kiểm lâm sông Bồ, nơi đoàn công tác cứu hộ đang tạm nghỉ chân. Đất đá từ vụ sạt lở làm chôn vùi toàn bộ ngôi nhà, may mắn có 8 người trong tổng số 21 cán bộ, chiến sĩ trong đoàn thoát nạn; 13 người còn lại vĩnh viễn ra đi.
Sau khi vụ việc xảy ra, Bộ Quốc phòng, Quân khu 4, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và các ban, bộ, ngành liên quan đã huy động tối đa lực lượng, cùng phương tiện để tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Đến khoảng 19h20 ngày 15/10, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy 13 thi thể cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ. Ngay sau đó, thi thể các anh được đưa về quàn tại Nhà tang lễ 268, Cục Hậu cần Quân khu 4.
Hiện các lực lượng chức năng vẫn tiếp tục công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn 15 công nhân của Nhà máy thuỷ điện Rào Trăng 3 vẫn còn mất tích.