Tham gia đối thoại, nhóm trẻ em tiêu biểu đại diện 3 miền Bắc, Trung, Nam chia sẻ cả nguyên nhân, hậu quả của việc đánh mắng trẻ và đưa ra các giải pháp và thông điệp: "Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ em bị đánh mắng nhưng chủ yếu vì cha mẹ, thầy cô không hiểu tâm lý của trẻ em, và có các biện pháp giáo dục, đồng hành với chúng con, cũng chưa tin tưởng chúng con". Nhóm trẻ em đã đưa ra thông điệp tới người lớn là: Hãy giáo dục trẻ em bằng tình yêu thương, Dạy trẻ không doạ trẻ, và Trẻ nên người không phải bởi đòn roi. Đây là các thông điệp rất ý nghĩa và đánh động tới tất cả những người tham gia sự kiện.
Đại diện mạng lưới Quản trị quyền trẻ em, bà Ninh Thị Hồng, Phó chủ tịch thường trực, Hội bảo vệ quyền trẻ em đã kể những câu chuyện và chia sẻ khảo sát thực tế mà các thành viên Mạng lưới đã tổng hợp về thực trạng trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em. Nguyên nhân được tổng hợp chi tiết đến từ cả nhận thức của cha mẹ, thầy cô, cộng đồng và cả các cán bộ nhà nước, chính quyền địa phương. Luật trẻ em và các chính sách liên quan đã quy định rõ cấm các hành vi bạo lực trẻ em nhưng trên thực tế, rất nhiều người lớn vẫn trừng phạt thể chất và tinh thần các em.
Từ rất nhiều các nguyên nhân được phân tích kỹ lưỡng, mạng lưới đã đưa ra một loạt các giải pháp, chú trọng vào việc hoàn thiện chính sách pháp luật và hướng dẫn thực thi chi tiết tới các cấp địa phương, xây dựng cơ chế phối hợp với các tổ chức xã hội trong giáo dục cộng đồng và giám sát thực hiện, và đặc biệt là thúc đẩy sự tham gia và tiếng nói của trẻ em. Bà Hồng nhấn mạnh "Thông điệp của chúng tôi là Lan toả yêu thương – Đẩy lùi bạo lực. Tất cả các bên liên quan cần chung tâm, chung trí, chung sức và hành động bảo vệ trẻ em, hoàn toàn chấm dứt trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em dưới mọi hình thức".
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục trẻ em chia sẻ: "Tôi rất ấn tượng với các thông điệp và giải pháp được trao đổi trong đối thoại. Lắng nghe trẻ em và các tổ chức xã hội là rất quan trọng. Đây sẽ là nguồn tham khảo thiết thực cho chúng tôi trong các kế hoạch xây dựng chính sách pháp luật và các chương trình hỗ trợ bảo vệ trẻ em trong thời gian tới".
Trong phần đối thoại mở, các đại biểu cũng đưa ra thêm nhiều ý kiến, quan điểm phong phú, trong đó khẳng định việc trừng phạt thể chất và tinh thần trẻ em hiện nay rất phổ biến, đặc biệt trong môi trường gia đình và nhà trường và cần có các giải pháp mang tính tổng thể, cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan để chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em.