Trẻ em không chỉ là đối tượng cần được bảo vệ mà còn là đối tượng truyền thông hiệu quả, có thể thay đổi nhận thức cộng đồng về BĐG.
Bất bình đẳng giới vẫn là vấn đề nhức nhối tại nhiều địa phương, đặc biệt ở vùng nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số, nơi tư tưởng trọng nam khinh nữ và bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn nặng nề.
Theo các chuyên gia, trẻ em - những người chứng kiến và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bất bình đẳng - chính là nhân tố quan trọng để tạo sự thay đổi từ gia đình và cộng đồng của mình.
Xây dựng bình đẳng giới từ trường học
Các trường học trên cả nước đang đẩy mạnh giáo dục về BĐG thông qua chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa và các câu lạc bộ.
Tại Vĩnh Long, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo lồng ghép nội dung giáo dục về̀ giới, Luật Bình đẳng giới vào nội dung, chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với từng cấp học; tập huấn kiến thức bình đẳng giới cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý toàn ngành. 100% cơ sở giáo dục được truyền thông kiến thức giới, bình đẳng giới; phòng ngừa và ứng phó bạo lực với phụ nữ, trẻ em gái.
Công tác lồng ghép giới vào kế hoạch phát triển GD-ĐT được từng cơ sở giáo dục quan tâm thực hiện, bám sát nội dung, chương trình hành động của tỉnh.
được phân công giảng dạy môn Khoa học tự nhiên và Sinh học lớp 8, cô Đỗ Thị Nhạn, Trường THCS thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy, Thái Bình) đã lồng ghép các chuyên đề, ngoại khóa như giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên, phòng chống xâm hại tình dục vào bài giảng.
Trong bài học về cơ chế xác định giới tính, cô đã giúp học sinh hiểu rõ hậu quả của việc lựa chọn giới tính thai nhi, như mất cân bằng giới tính, gia tăng bất bình đẳng và bạo lực gia đình. Đồng thời, các buổi sinh hoạt lớp cũng trở thành không gian để học sinh thảo luận về BĐG qua tiểu phẩm, vẽ tranh hay xử lý tình huống.
Những sáng kiến sáng tạo tương tự cũng xuất hiện tại nhiều địa phương khác. Tại Hà Nội, Trường Tiểu học Ái Mộ B tổ chức ngoại khóa, trò chuyện với chuyên gia và xây dựng mô hình lớp học cân bằng giới.
Trong khi đó, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (Đắk Lắk) lồng ghép các thông điệp BĐG qua buổi văn nghệ và kể chuyện dưới cờ, thu hút sự tham gia nhiệt tình của cả học sinh và phụ huynh.
Dù còn khó khăn về nhân lực và kinh nghiệm, nhưng những sáng kiến này đã góp phần nâng cao nhận thức về BĐG, giúp trẻ em trở thành nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.
Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” lan tỏa thông điệp bình đẳng
Mô hình câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” được triển khai trong trường học và cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức về BĐG, bảo vệ trẻ em trước bạo lực, xâm hại và tảo hôn.
Được thí điểm tại 8 tỉnh (Bắc Kạn, Thanh Hóa, Điện Biên, Lào Cai, Quảng Bình, Gia Lai, Bình Phước, Sóc Trăng) từ năm 2021, mô hình đã mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt, góp phần tạo nên môi trường sống an toàn, bình đẳng và tiến bộ.
Đây là sân chơi bổ ích, giúp trẻ em hiểu rõ về quyền lợi của mình, trang bị kỹ năng sống và trở thành “người dẫn đầu” trong thay đổi nhận thức cộng đồng về BĐG.
Thầy giáo Phạm Hữu Trượng, Tổng Phụ trách Đội, Trường THCS và THPT Bắc Hà (Lào Cai) chia sẻ: “Tham gia CLB, các em được học các kỹ năng để thay đổi và hoàn thiện bản thân, từ đó các em mạnh dạn hơn trong việc lên tiếng bảo vệ bản thân và bạn bè, đồng thời tham gia giám sát, hỗ trợ học sinh khác trong trường”.
Tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tả Giàng Phình (Lào Cai), các thành viên CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” không chỉ tuyên truyền qua loa phát thanh mà còn trực tiếp thuyết phục gia đình học sinh từ bỏ hủ tục tảo hôn và kết hôn cận huyết.
Em Tuyết Mây, thành viên CLB, chia sẻ: “Chúng em từng thuyết phục một bạn nữ lớp 9 không bỏ học để kết hôn sớm. Giờ bạn ấy đã quay lại trường, tiếp tục học tập”.
Không chỉ dừng lại trong trường học, mô hình CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” còn lan tỏa ra cộng đồng, đặc biệt ở các địa phương dân tộc thiểu số.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Sóc Trăng, bà Nguyễn Thị Diện, nhận định: “Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tạo không gian sinh hoạt lành mạnh, một diễn đàn thực sự bổ ích khuyến khích trẻ tự tin, bản lĩnh và dần thay đổi nhận thức sai lệch, nhất là tại các địa phương dân tộc thiểu số”.
Để thúc đẩy BĐG bền vững, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Thực tế cho thấy, những đóng góp của trẻ em về các vấn đề liên quan đến BĐG trong thời gian qua đã chứng minh vai trò quan trọng của các em trong hành trình này.
Tuy nhiên, để các em thực sự phát huy vai trò, việc đào tạo, hỗ trợ và lắng nghe ý kiến của trẻ cần được ưu tiên hơn nữa.
Lắng nghe trẻ em không chỉ là cách thể hiện sự tôn trọng quyền của các em mà còn giúp xây dựng một xã hội bình đẳng, đồng thời đặt nền móng cho thế hệ tương lai tự tin, bản lĩnh và giàu lòng nhân ái. Những nỗ lực từ hôm nay sẽ trở thành hành trang quý giá, giúp các em bước vào cuộc sống và trở thành những “thủ lĩnh thay đổi” tích cực trong gia đình và cộng đồng.
Kim Liên
Ấn phẩm Vì trẻ em số 22