Nhiều trẻ em trên thế giới đã khởi xướng các dự án môi trường, từ việc trồng cây đến tổ chức chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng.
Felix Finkbeiner và chiến dịch “Trồng cây vì hành tinh”

Những câu chuyện truyền cảm hứng về trẻ em thực hiện sống xanh đã và đang lan tỏa tinh thần tích cực trên toàn thế giới. Một trong số đó là Felix Finkbeiner, cậu bé người Đức đã sáng lập phong trào “Plant for the Planet” (Trồng cây vì hành tinh) năm 2007 khi mới 9 tuổi.
Felix kêu gọi trẻ em trên toàn thế giới trồng 15 tỷ cây xanh để chống biến đổi khí hậu. Đến nay, phong trào đã trồng được hơn 14 tỷ cây xanh trên toàn thế giới, với sự tham gia của hàng triệu học sinh từ hơn 130 quốc gia.
“Trồng cây vì hành tinh” cũng đang nỗ lực để đạt được mục tiêu mới là 1.000 tỷ cây trong 20 hoặc 30 năm tiếp theo. Đây cũng là con số mà các nhà nghiên cứu ước tính để khôi phục các khu rừng bị tàn phá, bù đắp lượng khí thải CO2 toàn cầu và phục hồi bầu khí quyển có thể khôi phục sự cân bằng của sự sống trên Trái đất.
Anna Du và sáng kiến làm sạch đại dương

Anna Du, cô bé người Mỹ, đã phát triển một thiết bị có thể phát hiện nhựa dưới đáy đại dương khi mới 12 tuổi (năm 2018). Phát minh này đã lọt vào vòng chung kết trong Cuộc thi Thử thách Nhà khoa học trẻ 3M. Robot của cô bé là một phương tiện hoạt động từ xa (RAV), sử dụng ánh sáng hồng ngoại để phát hiện và xử lý các vi nhựa siêu nhỏ.
Robot này bao gồm hai hệ thống khác nhau, một hệ thống dẫn đường và một hệ thống phát hiện sử dụng camera hồng ngoại có độ phân giải cao để tìm các mảnh nhựa nhỏ. Sáng kiến nhằm giúp nâng cao nhận thức về ô nhiễm nhựa và tìm kiếm giải pháp hiệu quả để làm sạch môi trường biển.
Năm 2022, Anna đã phát hành cuốn sách “Vi nhựa và tôi” để giúp truyền bá thông tin không chỉ về mối nguy hiểm của vi nhựa mà còn về các cách để giảm thiểu vấn đề này.
Ngoài ra, Anna còn thành lập chiến dịch Sáng kiến Nhựa sâu (DPI) để giáo dục mọi người về cách ngăn ngừa và làm sạch ô nhiễm nhựa trong môi trường biển.
Melati và Isabel và chiến dịch “Tạm biệt túi nilon”

Bắt nguồn từ việc nhận thấy vùng biển Bali có rất nhiều túi nilon trên biển. Hai chị em Melati và Isabel Wijsen đã phát động chiến dịch “Bye Bye Plastic Bags” (Tạm biệt túi nilon) khi mới 10 - 12 tuổi để nâng cao nhận thức về vấn đề sử dụng nilon của mọi người.
Năm 2019, Melati và Isabel Wijsen đã tổ chức Ngày hội dọn rác lớn nhất ở Bali, với quy mô 20.000 người, thu gom được 65 tấn chất thải. Cả hai đã kêu gọi 350 doanh nghiệp địa phương ký cam kết loại bỏ sử dụng các sản phẩm nhựa hằng ngày như cốc và ống hút.
Ngoài Bali, dự án “Tạm biệt túi nilon” cũng đã thu hút sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách, như Bộ trưởng Môi trường Hàn Quốc. Hai chị em có cơ hội phát biểu tại các hội nghị môi trường, như Hội nghị về bảo vệ biển quốc tế do Liên hợp quốc tổ chức ở San Diego (Mỹ).
Trong suốt quá trình hoạt động, Melati và Isabel Wijsen nhận thấy điều đáng giá nhất trong chiến dịch đó là các em đã nâng cao được nhận thức cho các bạn trẻ - những chủ nhân của tương lai về vấn đề bảo vệ hành tinh xanh.
“Little Miss Flint” cảnh báo tác động của ô nhiễm nước
“Little Miss Flint” là biệt danh của Mari Copeny, người Mỹ. Cô bé trở nên nổi tiếng vào năm 2016 khi mới 8 tuổi gửi thư cho Tổng thống Barack Obama để thu hút sự chú ý về cuộc khủng hoảng nước nhiễm chì ở Flint, Michigan. Nhờ những nỗ lực của cô bé, hàng triệu đô la đã được huy động để cải thiện hệ thống cung cấp nước sạch cho người dân.
Không chỉ dừng lại ở việc gây quỹ, Mari còn tích cực tham gia các chiến dịch nâng cao nhận thức về tác động của ô nhiễm nước, đặc biệt trong các cộng đồng nghèo và thiểu số tại Mỹ.
Hiện tại, với 192.000 người theo dõi trên mạng xã hội, hoạt động vận động của Copeny đã nhận được sự chú ý trên toàn cầu trong nhiều năm qua khi cuộc khủng hoảng nước vẫn tiếp diễn, nhắc nhở thế giới rằng bất kỳ ai cũng có thể tạo ra sự khác biệt trong cộng đồng của mình.
Trẻ em không chỉ là người thụ hưởng một hành tinh xanh mà còn là những người tiên phong trong việc bảo vệ và xây dựng một tương lai bền vững hơn cho tất cả mọi người. Các phong trào này đã chứng minh rằng chỉ cần có quyết tâm, bất kỳ ai, dù nhỏ tuổi, cũng có thể tạo ra sự thay đổi lớn đối với hành tinh của chúng ta. |
Hưng Nguyễn
Ấn phẩm Vì trẻ em số 3