Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Vì trẻ em

Đuối nước trẻ em: Chuyện biết rồi, nói mãi…

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Mặc dù nhiều cảnh báo đã được đưa ra, tuy nhiên cứ đến mùa nắng nóng, số vụ đuối nước trẻ em lại tăng cao.

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), trẻ bị đuối nước là do thiếu các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, nhiều trẻ em chưa biết bơi.

Trong khi đó, việc dạy bơi cho trẻ em tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn do không có bể bơi, thiếu giáo viên dạy bơi… 

KỲ I: NỖI ĐAU ĐUỐI NƯỚC TRẺ EM 

Ám ảnh “bóng ma” đuối nước

Vừa bước vào đầu mùa nắng nóng, không ít vụ đuối nước thương tâm đã xảy ra. Ngày 22/4, lãnh đạo xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) cho biết, xã vừa xảy ra vụ đuối nước khiến 3 học sinh tiểu học tử vong.

Thông tin ban đầu, khoảng 11 giờ cùng ngày, nhóm học sinh trú tại xã Ea Ktur về nhà sau giờ tan học. Trên đường về, do thời tiết nắng nóng nên khi đi ngang qua hồ Việt Đức 4, 3 học sinh đã xuống hồ tắm mát.

Trong lúc tắm, cả 3 không may trượt chân xuống vũng nước sâu dẫn đến đuối nước. Một học sinh đi cùng phát hiện sự việc hô hoán gọi người lớn đến cứu giúp. Mặc dù đã được đưa lên bờ và đi bệnh viện cấp cứu nhưng cả 3 em đã tử vong.

T1.jpg
Các trường  chủ yếu dừng lại ở tuyên truyền phòng, chống đuối nước và cách cấp cứu khi bị đuối nước.

Cùng ngày, tại đập My, xã Nuông Dăm, huyện Kim Bôi (Hòa Bình), sau giờ học, 2 học sinh nữ (SN 2013) cùng học tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Nuông Dăm ra đập chơi và không may bị đuối nước. Khi xảy ra vụ việc, người dân đã khẩn trương cứu giúp nhưng hai cháu đã không qua khỏi.  

Lãnh đạo UBND xã Đông Trà, huyện Tiền Hải (Thái Bình) cho biết, địa bàn xã này cũng vừa xảy ra vụ đuối nước khiến 2 học sinh tử vong.

Được biết, một số học sinh rủ nhau ra khu vực đò Phú Châu chơi. Tại đây, em T.T.T. và N.T.H.L. (học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Đông Trà) cùng một học sinh khác xuống đầm tắm, các học sinh còn lại về nhà.

Không lâu sau, 1 trong 3 em ở lại tắm đã lên bờ về nhà. Đến chiều cùng ngày, gia đình cháu T.T.T. và N.T.H.L. không thấy con trở về nhà nên đã báo chính quyền cùng tìm kiếm. Đến khoảng 22h cùng ngày, thi thể cả 2 học sinh đã được tìm thấy.

Trên đây là 3 trong rất nhiều vụ đuối nước cướp đi sinh mạng của học sinh. Dù chưa có con số thống kê cụ thể số vụ đuối nước từ đầu mùa nắng nóng nhưng đuối nước thật sự là “bóng ma”, là nỗi lo của mỗi gia đình.

Ngoài nguyên nhân là trẻ em chưa biết bơi hoặc đã biết bơi nhưng thiếu kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước thì một phần trách nhiệm là do người lớn bất cẩn, thiếu quan tâm, giám sát, chủ quan đối với trẻ em khi sống trong môi trường tiềm ẩn tai nạn đuối nước.

Nghịch lý có bể bơi nhưng học sinh không được học bơi

Theo các chuyên gia bảo vệ trẻ em, để phòng, chống đuối nước trẻ em, việc nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác phòng, chống đuối nước phải luôn được đặt lên hàng đầu. Cùng với đó, trẻ em cần được học bơi và các kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2021-2030 của ngành VH-TT&DL đặt mục tiêu phấn đấu 60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước năm 2025 và 70% vào năm 2030; 50% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn năm 2025 và 60% vào năm 2030. Tuy nhiên, không ít địa phương, nhà trường đang dạy bơi trên giấy vì khó đủ bề. 

day-boi-2(1).jpg
 Bể bơi tại Trường THCS Lương Thế Vinh (Đắk Nông) không hoạt động vì thiếu kinh phí để duy trì.

Bộ GD&ĐT cho biết, theo thống kê của 59/63 Sở GD&ĐT, đến hết năm 2022, tổng số bể bơi trong trường học là 2.184 bể/25.307 trường, chiếm 8,63% trường có bể bơi. Có bể bơi là một chuyện, còn triển khai được việc dạy bơi lại là chuyện khác vì trên thực tế, để vận hành bể bơi cần khoản kinh phí không nhỏ.

Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bù Đăng (Bình Phước) Nguyễn Tiến Thông cho biết, bơi lội chưa phải là nội dung bắt buộc mà chỉ là tự chọn. Nhà trường tùy thuộc vào việc có hồ bơi hay không để quyết định chọn hay không chọn nội dung này.

Không trường học công lập nào trên địa bàn huyện Bù Đăng có bể bơi. Bên cạnh đó, huyện cũng đang thiếu giáo viên bộ môn giáo dục thể chất. Một số giáo viên dạy giáo dục thể chất chưa được đào tạo, huấn luyện, cấp chứng chỉ dạy bơi. 

Để trang bị kỹ năng bơi lội cho học sinh, Phòng GD&ĐT huyện chỉ đạo các trường liên hệ, phối hợp các chủ hồ bơi tư nhân để tổ chức dạy bơi cho học sinh. Nhưng vì nhiều lý do, số học sinh tham gia rất ít.

Huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) hiện có 7 bể bơi trong trường học nhưng chỉ một số bể bơi được vận hành thường xuyên. Một phần nguyên nhân là kinh phí hoạt động không bảo đảm và môn bơi vẫn chưa được dùng để đánh giá kết quả học tập của học sinh.

Cô Nguyễn Thị Hiên, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh (xã Quảng Tín, Đắk R’lấp) cho biết, năm 2021, nhà trường nhận bàn giao một bể bơi di động với trị giá khoảng 500 triệu đồng.

Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên đến năm 2022, nhà trường mới tổ chức cho học sinh học bơi. Giáo viên dạy bơi chính là giáo viên thể chất của trường. 

Việc trang bị bể bơi trong trường học có ý nghĩa rất lớn, góp phần phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ và tạo điều kiện cho học sinh có môi trường học tập đa dạng, hấp dẫn hơn.

Thế nhưng trong quá trình triển khai môn bơi, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc huy động đóng góp của phụ huynh để mua sắm hóa chất, sinh phẩm, chi phí bảo trì, vệ sinh bể bơi…

“Nhà trường sử dụng nước giếng khoan nên phải dùng chế phẩm để xử lý nước trước khi cho học sinh học bơi. Tuy nhiên, vài ngày lại phải thay nước mới nên chi phí rất lớn.

Việc bơm nước, vệ sinh bể bơi, mua hóa chất… đều phải lấy từ chi phí chi thường xuyên hàng năm của nhà trường nên việc chi tiền cho hoạt động dạy bơi cũng có giới hạn. Trong khi đó, việc kêu gọi sự đóng góp của phụ huynh cũng gặp khó do không phải gia đình nào cũng đăng ký cho con em theo học”, cô Hiên chia sẻ.

Giáo viên dạy bơi... trên giấy

Việc triển khai môn bơi trong trường học gặp khó khăn còn xuất phát từ thực tế môn bơi chưa được dùng để đánh giá kết quả học tập của học sinh. Mỗi năm học, học sinh chỉ có vài tiết học bơi (chiếm một học phần nhỏ trong môn giáo dục thể chất) nên không thể lấy điểm môn bơi thành điểm kiểm tra học kỳ, kiểm tra cuối năm cho học sinh.

Theo cô Lê Thị Thu Lý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Nộn (Đông Anh, TP Hà Nội), nhà trường dạy bơi cho học sinh trong điều kiện chưa có bể bơi xây, cũng chưa có bể bơi bạt, dù đã có 3 giáo viên giáo dục thể chất có chứng chỉ đào tạo bơi.

Hằng năm, các giáo viên này tham gia đào tạo tại trung tâm huấn luyện học sinh trong dịp hè xung quanh địa bàn.

“Vì thế, nhà trường tuyên truyền, tổ chức các hoạt động tập thể phòng, chống đuối nước để cung cấp kỹ năng cho học sinh và có những bài tuyên truyền về kỹ năng bơi trên giấy. Tức chúng tôi dạy về lý thuyết, sau đó khuyến khích các em đến các trung tâm dạy bơi trên địa bàn để tập luyện”.

Không chỉ vùng nông thôn, việc dạy bơi cho học sinh bậc tiểu học, THCS ở các thành phố lớn cũng gặp không ít khó khăn. Cô Phạm Thị Lợi, Hiệu trưởng Trường tiểu học Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) cho biết, trường có 2 giáo viên giáo dục thể chất nhưng không có chương trình học bơi.

Nhằm trang bị kỹ năng bơi lội cho học sinh, trường đã liên kết với một doanh nghiệp đưa bể bơi thông minh vào trường học. Tuy nhiên, trường cũng tạm dừng hoạt động này kể từ khi xảy ra dịch Covid-19.

Chủ trương dạy bơi trong nhà trường và phổ cập bơi cho học sinh bậc tiểu học và THCS đã có từ nhiều năm trước nhưng đến nay, rất ít trường học có đủ điều kiện để thực hiện. Nhiều nơi, việc dạy bơi cho học sinh mới chỉ dừng lại ở việc dạy chay, dạy lý thuyết trên giấy, lồng ghép vào giờ chào cờ đầu tuần.

Trong khi đó, việc thực hành, thành thạo kỹ năng lại vô cùng quan trọng để giúp các em sinh tồn.

Tại Việt Nam, đuối nước là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 5 đến 14 tuổi.

 

Theo Bộ LĐ-TB&XH, tỷ lệ tử vong do đuối nước trẻ em đã giảm trung bình 3 - 5%/năm, tuy nhiên mỗi năm vẫn còn gần 2.000 trẻ em tử vong vì đuối nước.

 

Nhiều giải pháp phòng, chống đuối nước đã được đưa ra nhưng công tác triển khai tại cơ sở vẫn còn nhiều khó khăn, là “chuyện biết rồi, nói mãi….”.

(còn nữa)

Khánh Vân

  Báo Lao động Xã hội số 50

Tin liên quan
Không chủ quan với bể bơi trong nhà

Không chủ quan với bể bơi trong nhà

(VTE) - Một trong những nguyên tắc giúp trẻ em an toàn khi bơi lội dưới nước chính là người lớn không bao giờ được rời mắt khỏi trẻ ngay cả khi đó là...