Gần 2.000 trẻ em bị đuối nước mỗi năm
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, có khoảng gần 2.000 trẻ em bị đuối nước mỗi năm. Đuối nước cũng là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ.
Tỷ lệ trẻ em đuối nước tại Việt Nam hiện nay cao nhất Đông Nam Á và cao gấp 10 lần so với các nước đang phát triển. Trong số đó, 53% trường hợp chết đuối xảy ra khi trẻ em chơi gần ao, suối, sông, hồ, kênh, mương, biển… mà không có sự giám sát, bảo vệ của người lớn.

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cũng đã từng chia sẻ, những năm gần đây, số trẻ tử vong do đuối nước có xu hướng giảm, mỗi năm cứu sống được gần 100 trẻ.
Tuy nhiên, số lượng người tử vong vẫn cao. Tai nạn đuối nước vẫn là nguy cơ hàng đầu dẫn đến tử vong cho trẻ em. Vì vậy, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa những giải pháp phòng chống đuối nước cho trẻ như dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước, nhất là trong những ngày hè.
"Ngoài sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể, quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm, giám sát từ chính mỗi gia đình, hướng các em tới các hoạt động lành mạnh, bổ ích, bảo vệ trẻ em an toàn trước nguy cơ về tai nạn đuối nước có thể xảy ra", ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, đa số các vụ tai nạn đuối nước diễn ra tại các vùng nông thôn. Phân tích cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng phần lớn là do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi, chăm sóc, để trẻ tự do đi lại.
Bên cạnh đó, hệ thống sông, rạch, vũng nước… cũng là môi trường không an toàn cho trẻ nhỏ.
Xử trí đúng trong sơ cứu đuối nước trẻ em
Một trong những yếu tố để hạn chế tử vong ở trẻ do đuối nước là sự can thiệp kịp thời và đúng phương pháp tại chỗ, nhằm giảm đáng kể những hậu quả nghiêm trọng do đuối nước, bởi phần lớn các nạn nhân bị ngạt nước khi được đưa đến cấp cứu tại các bệnh viện thường không được sơ cứu đúng cách hoặc thậm chí không được sơ cứu.
Bác sĩ Hoàng Anh Tuấn, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng chia sẻ, sơ cấp cứu ban đầu khi xảy ra đuối nước là yếu tố quyết định đến sự sống còn của nạn nhân.
Trong một trường hợp cụ thể, bác sĩ Tuấn kể lại sự việc khi một bé gái 5 tuổi bị đuối nước tại bể bơi của một khách sạn. Khi phát hiện bé trong tình trạng nguy kịch, bác sĩ Tuấn và đồng nghiệp đã nhanh chóng tiến hành hồi sinh tim phổi và giải phóng đường thở, giúp bé tỉnh lại và được đưa đến trung tâm y tế kịp thời.
Hay cũng một bé gái khoảng 5 tuổi được khác, được đưa lên bờ và một người đàn ông dốc ngược cháu để nước chảy ra. Tuy nhiên, tình trạng tím tái của cháu bé không cải thiện. Chúng tôi đã nhanh chóng tiến hành hồi sinh tim phổi và cứu sống cháu.
Theo các chuyên gia, khi phát hiện trẻ đuối nước, điều đầu tiên cần làm là đưa nạn nhân lên khỏi mặt nước, đánh giá tình trạng hô hấp và tim mạch.
Nếu nạn nhân không thở hoặc tim ngừng đập, cần nhanh chóng thực hiện các bước: Ép tim ngoài lồng ngực bằng cách đặt tay trên xương ức, ngang với đường nối hai núm vú, ấn xuống ngực sâu khoảng 1/3-1/2 lồng ngực với tốc độ 100 lần/phút. Ngoài ra, thổi ngạt kết hợp với ép tim, thổi ngạt giúp cung cấp oxy cho nạn nhân.
Nếu chỉ có một người cấp cứu, thực hiện 30 lần ép tim và 2 lần thổi ngạt; nếu có hai người cấp cứu, thực hiện 15 lần ép tim và 2 lần thổi ngạt. Trong khi thực hiện cấp cứu cần kiểm tra lại tình trạng nạn nhân sau mỗi 2 phút, đánh giá lại xem trẻ có thở lại hay không, có mạch không.
Khi trẻ có nhịp tim và nhịp thở trở lại, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra chức năng sau hồi sinh tim phổi.
Bác sĩ Tuấn nhấn mạnh: "Việc dốc ngược nạn nhân để nước chảy ra khỏi miệng là một sai lầm phổ biến. Nó chỉ làm chậm trễ các bước sơ cứu quan trọng hơn như hồi sức tim phổi, gây tổn thương não không hồi phục do thiếu oxy.
Lượng nước vào phổi khi đuối nước thường không nhiều và có thể được thải ra khi ép tim ngoài lồng ngực hoặc khi trẻ tự thở lại. Việc trì hoãn hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực có thể gây tổn thương, não không hồi phục do thiếu oxy".
Trường hợp bệnh nhi trên, do may mắn được sơ cứu kịp thời, đúng cách nên không nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Ngược lại, trong một vụ việc gần đây tại Quảng Ninh, hai cháu bé đã không qua khỏi do không được phát hiện kịp thời và sơ cứu đúng cách.
Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia khuyến cáo, các bậc phụ huynh luôn phải giám sát trẻ em khi chúng bơi lội tại các bể bơi, biển, hồ ao, sông ngòi... Phụ huynh cần luôn chú ý và không rời mắt khỏi các cháu để tránh các tình huống đáng tiếc xảy ra.
Việc nâng cao nhận thức và kỹ năng sơ cấp cứu cho cộng đồng, đặc biệt là các bậc phụ huynh, là vô cùng cần thiết. Các lớp học bơi và các khóa đào tạo sơ cấp cứu cần được tổ chức rộng rãi và thường xuyên.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn về kỹ năng phòng tránh đuối nước và sơ cấp cứu ban đầu.
Ngoài ra, việc dạy cho trẻ kỹ năng bơi lội cũng là điều hết sức quan trọng để giảm thiểu tình trạng trẻ đuối nước.
Trong trường hợp trẻ bị đuối nước, sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ đuối nước rất quan trọng vì nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ đuối nước là tổn thương não do thiếu oxy.
Thời gian chịu đựng thiếu oxy của não tối đa chỉ khoảng 4-5 phút, nếu quá thời này sẽ dẫn tới tổn thương não không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh.
Nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ đuối nước là tổn thương não do thiếu oxy. Chỉ trong một thời gian ngắn tại các điểm nghỉ dưỡng đã xảy ra hai vụ đuối nước khiến ba trẻ gặp nguy hiểm. Đây là lời cảnh báo mạnh mẽ cho các bậc phụ huynh khi đưa trẻ đi nghỉ dưỡng.