Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Đuối nước trẻ em: Nhiều mô hình xóa “mù bơi” hiệu quả

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, tình hình tử vong do đuối nước trẻ em ở nước ta đã có chiều hướng giảm, tuy nhiên tỷ lệ đuối nước vẫn cao gấp 10 lần các nước phát triển.

Điều này đòi hỏi toàn xã hội, nhất là các gia đình, nhà trường cần chú trọng quan tâm và triển khai quyết liệt nhiều giải pháp tăng cường kỹ năng bơi lội nhằm hạn chế tối đa tai nạn đuối nước ở trẻ em.

Kỳ II: Cấp bách phổ cập bơi cho trẻ em

 

Đợi đến khi có bể bơi mới dạy trẻ bơi thì không biết đến bao giờ

Trong khi hầu hết nhà trường, địa phương than khó triển khai dạy bơi cho trẻ em, vẫn có những trường học, địa phương triển khai hiệu quả hoạt động dạy bơi, dạy các kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em.

Nhiều năm nay, Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, TP Hà Nội) áp dụng phổ cập và cấp giấy chứng nhận về kỹ năng bơi lội, phòng chống đuối nước cho học sinh lớp 10.

nghe an.jpg
Đoàn viên thanh niên huyện Quế Phong, Nghệ An ngăn dòng suối, tạo “bể bơi tự nhiên” trên dòng Huôi Ngân, bản Đồng Mới, xã Đồng Văn, làm nơi dạy bơi an toàn cho trẻ.

Tuy không đưa vào lịch học chính khóa nhưng ngay sau khi học sinh trúng tuyển vào lớp 10 của trường, những học sinh chưa biết bơi phải tham gia khóa học bơi do nhà trường tổ chức (ký hợp đồng với huấn luyện viên bơi lội).

Tuy nhiên, nhà trường không có bể bơi nên phải thuê bể bơi thông minh và mở các lớp học ngoại khóa để phục vụ học sinh.

Thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, TP Hà Nội) cho biết, việc dạy bơi cho học sinh không phải ngành giáo dục muốn là làm được vì còn phụ thuộc vào cơ sở vật chất, nhân lực.

Suốt 15 năm qua, nhà trường đã kiên trì với việc dạy bơi. Phòng chống đuối nước được nhà trường đưa vào chương trình giáo dục thể chất với mục tiêu học sinh hoàn thành cấp tiểu học hoặc chậm nhất là THCS phải biết bơi. Để thực hiện mục tiêu này, nhà trường phải bỏ kinh phí thuê dài hạn bể bơi gần trường để dạy học sinh. 

“Phổ cập bơi phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm khắc phục khó khăn của các trường. Còn đợi đến khi có bể bơi, có huấn luyện viên mới tổ chức dạy học thì không biết đến bao giờ”, thầy Hòa nói.

Tại huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông), dù nhiều khó khăn nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của nhà trường, sự ủng hộ của phụ huynh, Trường THCS Phan Đình Phùng (xã Đắk Wer) đã triển khai tốt việc dạy bơi cho học sinh.

Để làm được điều này, sau khi được đầu tư lắp đặt một bể bơi, trường đã huy động sự đóng góp của phụ huynh để khoan giếng, làm sàn bơi, bảo đảm các điều kiện để bể bơi duy trì hoạt động.

Thầy Lê Trọng Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Đình Phùng chia sẻ: “Điều thuận lợi nhất của trường để triển khai dạy học môn bơi là sự ủng hộ của phụ huynh học sinh. 

Trong quá trình vận hành, từ nguồn đóng góp của phụ huynh, trường mới có kinh phí để duy trì hoạt động. Qua thời gian triển khai, nhiều học sinh đã biết bơi và có nhận thức về việc phòng, chống tai nạn đuối nước”.

Quận Hà Đông (Hà Nội) là một trong những quận tiên phong xóa “mù bơi” cho học sinh. Lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho hay, những năm qua, Phòng đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận Hà Đông cùng các  phường và nhà trường phổ cập bơi tại 7 bể bơi ở các trường tiểu học: Văn Yên, Lê Lợi, Phú La, Mậu Lương, Phú Lương, bể bơi phường La Khê...

Tham gia lớp học bơi, học sinh được huấn luyện viên dạy kiến thức, kỹ năng cơ bản về 3 kiểu bơi phổ biến: Bơi ếch, bơi ngửa, bơi tự do; trang bị cho các em những kiến thức cơ bản về phòng, chống tai nạn đuối nước, các phương pháp cứu đuối; phương pháp sơ cấp cứu người bị nạn, kiến thức an toàn dưới nước. 

Quận bảo đảm 100% học sinh sau khi tham gia lớp phổ cập bơi phải biết bơi (nếu học sinh chưa biết bơi sẽ tiếp tục dạy miễn phí đến khi biết bơi). Những trường mới xây đều chú trọng dành diện tích và kinh phí xây bể bơi đạt chuẩn để đưa môn bơi vào một nội dung của môn giáo dục thể chất.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Thường Tín cho biết, mùa hè 2023, trung tâm phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện tổ chức các lớp phổ cập bơi tại 6 địa điểm ở các trường tiểu học, THCS và đã thu hút trên 700 trẻ em đăng ký học.

Sau 15 buổi học bơi, 90% học sinh biết bơi lội và được cấp chứng chỉ bơi. Từ trạng thái sợ hãi tiếp xúc với môi trường nước, trải qua khóa học, đa số các em đã có thể bơi lội.

Em Bùi Hùng Cường (học sinh Trường THCS xã Vân Tảo, Thanh Trì) phấn khởi khoe: “Trước đây, em không biết bơi và rất sợ xuống nước. Sau 1 khóa học, được các thầy, cô hướng dẫn, giờ em đã biết bơi và các kỹ năng an toàn trong môi trường nước”.

Anh Nguyễn Hải Long, Trưởng ban Công tác Thiếu nhi (Trung ương Đoàn) cho hay, giai đoạn 2018 - 2022, Trung ương Đoàn đã triển khai đề án “Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tham gia phòng, chống đuối nước và tai nạn thương tích ở trẻ em”, trong đó nhân rộng mô hình “Đoàn thanh niên tham gia dạy bơi cho trẻ em”, chương trình “Tuần dạy bơi, học bơi cho trẻ em… "

Sau 4 năm, chúng tôi đã tổ chức cho hơn 2,1 triệu thiếu nhi tham gia các lớp, chương trình tập huấn kỹ năng, phòng chống đuối nước; dạy bơi miễn phí cho hơn 1,4 triệu thiếu nhi; lập 83.190 cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực có nguy cơ cao… 

Đoàn thanh niên đã tích cực tham gia triển khai và nhân rộng mô hình đoàn thanh niên dạy bơi cho thiếu nhi. Thông qua các lớp học bơi “0 đồng” đã giúp trẻ em rèn luyện kỹ năng bơi lội cơ bản, đồng thời các em cũng sẽ trở thành các tuyên truyền viên về phòng, chống đuối nước tại trường, lớp mà các em đang theo học”, anh Long chia sẻ.

Dạy bơi thôi chưa đủ

Trước tình trạng trẻ em đuối nước vẫn còn ở mức cao, chuyên gia cao cấp bảo vệ trẻ em Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) thốt lên: “Trẻ bị đuối nước, các trường học, địa phương cần vào cuộc ngay. Nên tìm cách đầu tư nhân lực và cơ sở vật chất để phổ cập bơi lội cho học sinh”.

Theo chuyên gia này, trẻ bị đuối nước không chỉ quanh gia đình, cạnh nhà trường mà xảy ra ở cả khu du lịch. Đặc biệt, quãng thời gian nghỉ, trẻ thường kéo nhau ra hồ, sông suối tắm và chơi đùa nên nguy cơ bị chết đuối rất cao.

“Hơn 60% vụ trẻ em bị tai nạn thương tích là xảy ra quanh gia đình và trong gia đình. Theo thống kê, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi thường tử vong trong gia đình. Trẻ có thể gặp nạn với các loại xô, chậu, chum vại chứa nước ở trong gia đình và giếng khơi…

Trẻ lớn hơn thường tử vong tại các khu vực ao, hồ, sông nước. Vì vậy, sự giám sát, quan tâm chú ý của cha mẹ là cực kỳ quan trọng. Những tai nạn thương tâm xảy ra với trẻ cũng chính là do sự bất cẩn, lơ là thiếu quan tâm tới trẻ của gia đình và các phụ huynh.

Ngoài ra, môi trường quanh trẻ chưa an toàn. Những đoạn sông sâu, hồ sâu thường không cắm biển báo. 

Tại những khu vực ven sông, trẻ thường ra các bãi cát chơi rồi sụt cát dẫn tới tử vong. Bên cạnh đó, các khu du lịch, công viên có nhiều hồ nước mà không có cảnh báo, không có bảo vệ cũng là nơi nguy hiểm với trẻ em. Điều đó cho thấy, môi trường thiếu an toàn vẫn đang rình rập tới sự an toàn của trẻ”.

Cũng theo ông Nguyễn Trọng An, bơi lội chỉ là một trong số giải pháp phòng, chống đuối nước ở lứa từ 6 - 7 tuổi trở lên. “Bơi lội mà trẻ em cần học là bơi tự cứu, bơi cứu đuối chứ không phải học bơi để thi lấy thành tích.

Việc đầu tiên cần dạy trẻ là các kỹ năng sinh tồn khi bị rơi xuống nước, gọi là bơi lội phòng chống đuối nước, đến khi các em thành thục mới tiếp đến bơi ếch, bơi sải và kỹ năng hồi sức tim phổi.

Các địa phương hãy dành tiền cho dạy bơi cứu đuối, vận động sự đóng góp thêm của cộng đồng.

Việc dạy đúng kỹ năng bơi lội phòng chống đuối nước cho trẻ sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng trẻ em bị chết do đuối nước rất cao như hiện nay.

Tuy nhiên, để phòng chống đuối nước trẻ em, cốt lõi của vấn đề là trách nhiệm giám sát và kỹ năng phòng ngừa đuối nước của cha mẹ, người lớn trong gia đình; trang bị đầy đủ kiến thức phòng chống đuối nước và kỹ năng sinh tồn trong môi trường nước cho bản thân trẻ em.

"Do vậy, điều vô cùng cấp bách là phải đưa môn dạy kỹ năng sinh tồn trong môi trường nước vào môn học bắt buộc trong nhà trường ngay từ mẫu giáo; đồng thời, kiện toàn ngay đội ngũ, mạng lưới nhân viên công tác xã hội bảo vệ trẻ em ở cộng đồng; từ đó, hỗ trợ và chuyển tải kiến thức kỹ năng bảo vệ trẻ em cho cha mẹ cũng như người chăm sóc trẻ, nhằm phát hiện ngăn chặn sớm các nguy cơ, nguy hiểm có thể xảy ra với trẻ em không chỉ riêng tai nạn đuối nước”, ông An nói.

Khánh Vân

Báo Lao động Xã hội số 51