Bất an vì tai nạn đuối nước gia tăng
Mặc dù đã có nhiều cảnh báo, nhiều biện pháp tuyên truyền, trang bị kiến thức, kỹ năng, nhưng câu chuyện đuối nước luôn “nóng” dù chưa đến hè. Hầu như ngày nào cũng thấy có thông tin trẻ em đuối nước trên các báo, đài.
Một số tỉnh, thành phố xảy ra nhiều vụ đuối nước trẻ em thời gian gần đây là: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Trị, Đắk Lắk, Gia Lai…
Tại tỉnh Nghệ An, thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn đuối nước rất thương tâm, đặc biệt là đuối nước trẻ em. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra hơn 10 vụ, làm 16 người chết.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 vụ tai nạn đuối nước, làm 11 người chết, 2 người bị thương (tăng 3 vụ so với cùng kỳ năm 2023).
Tại Bạc Liêu, theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh, chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn đã có 7 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước.
Sở LĐ-TB&XH tỉnh An Giang cho biết, đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 4 trẻ em bị đuối nước.
Trong 4 tháng đầu năm, tỉnh Tiền Giang cũng ghi nhận 2 vụ đuối nước, làm 3 trẻ em tử vong.
Mới bắt đầu bước vào mùa nắng nóng nhưng trong vòng nửa tháng (từ 29/3- 15/4) tại tỉnh Hà Tĩnh đã xảy ra 4 vụ đuối nước, khiến 5 người tử vong, trong đó có 4 học sinh.
Thống kê tình hình trẻ em đuối nước tại một số địa phương để thấy rằng, đó thực sự là những con số đáng báo động, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đến tất cả chúng ta khi một mùa hè với nhiều tiềm ẩn, nguy cơ về vấn đề này đang đến gần.
Trẻ có thể bị đuối nước ở bất cứ đâu, tại nhà, tại trường học, khi theo bố mẹ đi nghỉ mát, trên đường đi học về, khi đi chơi với bạn... Nhưng phổ biến nhất là trẻ rủ nhau tắm, khi một trẻ bị đuối nước, các em còn lại tìm cách cứu hoặc bám giữ nhau dẫn đến nhiều trẻ tử vong cùng một lúc.
Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nguyên nhân phổ biến nhất là do thiếu sự giám sát của người lớn, sự chủ quan của bố mẹ, để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ...
Mặt khác, tai nạn đuối nước còn do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi. Thực tế ghi nhận nhiều trường hợp trẻ đã biết bơi nhưng khi gặp tai nạn vẫn không thể tự cứu mình…
Làm gì để không còn những cái chết thương tâm?
Năm nay, tuy chưa đến hè nhưng đuối nước trẻ em xảy ra liên tiếp với nhiều trường hợp tử vong. Đuối nước không còn là nỗi lo của riêng gia đình, địa phương nào và phòng tránh đuối nước trẻ em rất cần sự chung tay của toàn xã hội.
Muốn phòng tránh và giảm thiểu tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước, trước hết phải dạy trẻ biết bơi. Cùng với việc học bơi, trẻ cần được học kỹ năng an toàn.
Đó là dạy cho các em các kiến thức an toàn khi tham gia môi trường nước và nhận biết môi trường nước nguy hiểm để không xuống chơi, xuống bơi.
Dạy trẻ em kỹ năng nhận biết vùng nước sâu, nguy hiểm để phòng tránh. Khi trẻ có kỹ năng sống và kỹ năng ứng phó để tự cứu mình trong những tình huống nguy cấp thì nỗi lo đuối nước trẻ em vơi bớt đi phần nào.
Hơn thế nữa, cần trang bị cho các em những kỹ năng giúp người bị tai nạn đuối nước: cứu người đuối nước bằng cách gián tiếp, thông báo mọi người xung quanh được biết, ném các vật nổi cho nạn nhân, sử dụng các dụng cụ cứu hộ như phao cứu sinh, gậy, dây... để hỗ trợ.
Để phòng chống đuối nước với trẻ em thì sự quan tâm, nhắc nhở thường xuyên từ phía gia đình là quan trọng nhất.
Người lớn, các bậc cha mẹ phải luôn để mắt tới con nhỏ, đặc biệt là trẻ 5-6 tuổi. Nếu trẻ lớn hơn, phải dặn dò các em không được đến gần sông, hồ, không xuống nước nếu không có người lớn đi cùng.
Bên cạnh đó, vai trò chính quyền vô cùng quan trọng trong quá trình giám sát, đảm bảo an toàn, phòng tránh đuối nước cho trẻ. Các địa phương cần rà soát các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ để chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong dịp nghỉ hè, mùa mưa bão, mùa nước nổi.
Tổ chức làm rào chắn, biển cảnh báo tại hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm... để nhắc nhở và cảnh báo trẻ em.
Các trường học cũng cần phải đưa nội dung về phòng, chống đuối nước vào nhắc nhở thường xuyên trong các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp. Kỹ năng phòng tránh đuối nước nên trở thành một môn học bắt buộc ở trường.
Nếu trường có bể bơi, cần tổ chức dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho học sinh trong điều kiện cho phép.
9 nguyên tắc phòng ngừa đuối nước cho trẻ Các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh, người chăm sóc trẻ tại gia đình và cơ sở nuôi dưỡng trẻ cần thực hiện 9 biện pháp phòng tránh đuối nước: 1. Làm cửa chắn và rào chắn quanh nhà nếu nhà ở gần vùng sông nước, ao hồ... 2. Làm rào chắn quanh ao, hố nước, rãnh nước gần nhà nơi trẻ dễ tiếp cận và có nguy cơ bị đuối nước. 3. Đặt biển cảnh báo ở những nơi có nguy cơ gây đuối nước (hồ, ao, mương, máng, sông, ngòi, vùng nước xoáy…). 4. Sử dụng nắp đậy bằng vật liệu cứng, an toàn cho bể nước, giếng khơi, dụng cụ chứa nước (lu nước, thùng nước, chậu nước, bồn tắm…). 5. Giám sát kỹ trẻ khi đến khu vực có nước và không để trẻ dưới 6 tuổi ở một mình trong bồn tắm. 6. Đưa trẻ đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua suối, sông. 7. Cho trẻ tham dự các lớp học kiến thức an toàn dưới nước, lớp học bơi và kỹ năng sống sót, lớp sinh hoạt hè do địa phương tổ chức. 8. Mặc áo phao cho trẻ khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy (tàu, xuồng, thuyền, đò…). 9. Khi gặp trẻ đuối nước cần gọi người hỗ trợ, chỉ cứu trẻ bị đuối nước nếu biết bơi và biết cách cứu đuối. |
Hồng Trần
Chuyên san Vì trẻ em số 8