Sáng ngày 4/12, có mặt tại chốt xử lý học sinh vi phạm Luật trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ do Đội CSGT số 2, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Hà Nội tổ chức, phóng viên báo Dân Trí ghi nhận còn nhiều trường hợp học sinh vi phạm.
Chỉ trong khoảng thời gian 30 phút đã có hàng chục trường hợp vi phạm Luật TTATGT đường bộ, đa số các lỗi vi phạm liên quan đến việc không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi, chở quá số người quy định…
Tại hiện trường, em L.T.T học sinh lớp 9 dù chưa đủ tuổi lái xe, xong vì nhà gần trường, bố mẹ bận công việc nên em hàng ngày vẫn tự mình đi xe máy điện đến trường. Em cho biết, em được bố mẹ dạy lái xe từ năm lớp 8 và em đã tự mình đi đến trường từ đó đến bây giờ.
Anh N.V.H, phụ huynh học sinh khi có mặt để giải quyết vi phạm cũng chia sẻ, vì do tính chất công việc, gia đình anh không bố trí được thời gian đưa đón con mình nên dù biết con chưa đến tuổi lái xe nhưng anh vạn bất đắc dĩ vẫn phải giao xe cho con tự tới trường.
Tại chốt xử lý, anh H. đã nhận thức được hành vi vi phạm của mình khi được các CSGT tuyên truyền, anh chia sẻ sẽ cố gắng sắp xếp thời gian để đưa đón con đi học nhằm đảm bảo an toàn cho con mình và cho mọi người khi tham gia giao thông.
Thiếu tá Nguyễn Đức Tuyến, cán bộ Đội CSGT số 2, phòng CSGT Công an thành phố Hà Nội cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an, Công an thành phố Hà Nội, Đội CSGT số 2 đã tăng cường tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật về TTATGT đường bộ cho hàng nghìn học sinh, giáo viên các cấp trên địa bàn Đội quản lý.
Cùng với đó, thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến học sinh, phụ huynh chở con em tham giao thông vi phạm các quy định.
Đặc biệt, Đội còn phối hợp với công an cơ sở và các lực lượng chức năng duy trì hiệu quả của các mô hình cổng trường an toàn giao thông tại các điểm trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, từ đó tăng cường việc phòng ngừa ùn tắc, gây tai nạn giao thông”.
Theo đánh giá của Thiếu tá Nguyễn Đức Tuyến, đến thời điểm hiện tại, các bậc phụ huynh cũng như các em học sinh đã có ý thức hơn trong việc chấp hành Luật TTATGT đường bộ, tuy nhiên vì nhiều lý do vẫn còn các trường hợp vi phạm. Đối với các trường hợp vi phạm này, Đội CSGT số 2 cương quyết xử lý, không có trường hợp ngoại lệ.
Theo thống kê Phòng CSGT (PC08), Công an TP Hà Nội, từ 15/10 - 14/11, CSGT toàn thành phố xử lý 4.366 trường hợp, phạt tiền (ước tính) 2,129 tỷ đồng, tạm giữ 2.210 phương tiện.
Đề xuất tăng nặng xử phạt hành vi giao xe cho người chưa đủ tuổi
Từ kết quả cao điểm kiểm tra, xử lý học sinh vi phạm giao thông cho thấy, rất nhiều trường hợp học sinh vi phạm lỗi chưa đủ tuổi vẫn điều khiển phương tiện mô tô, xe gắn máy.
Bởi vậy, tại dự thảo nghị định xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đã đề xuất tăng gấp 5 lần mức xử phạt đối với cha mẹ, người giám hộ giao xe cho con khi chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện (mức phạt cũ từ 4-6 triệu đồng; dự kiến mức phạt mới 28-30 triệu đồng).
Theo Đại tá Phạm Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an), việc ngăn chặn những hiện tượng học sinh, hoặc là những trẻ trong độ tuổi học sinh điều khiển phương tiện gây tai nạn cho chính bản thân, hoặc cho những người tham gia khác, hoặc sử dụng phương tiện vào các hoạt động tụ tập, đua xe, lạng lách, đánh võng, vi phạm về pháp luật hình sự, gây rối trật tự công cộng là việc cấp bách phải làm.
Do đó, ngoài nguyên nhân xử lý trực tiếp đến người sử dụng phương tiện, thì cũng phải gắn trách nhiệm và xử lý của những trường hợp mà giao xe cho người không đủ điều kiện, bởi vì như vậy cũng gián tiếp gây nên cái nguy hiểm cho xã hội và những hành vi này cũng cần phải có chế tài đối với những người giao xe.
Thực tế cho thấy, trong thời gian vừa qua cũng đã xử lý bằng hình sự một số trường hợp với tội danh là giao xe cho người không đủ điều kiện gây tai nạn giao thông.
Do đó, việc nâng chế tài xử phạt đối với người giao xe cho người không đủ điều kiện này cũng là một hình thức răn đe, để cho những trường hợp giao xe cho người không đủ điều kiện sẽ phải nhìn lại trước khi đưa phương tiện cho những người chưa đủ điều kiện khi tham gia giao thông.
Thời gian vừa qua, lực lượng cảnh sát giao thông các địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan giáo dục, nhà trường, cũng như chính quyền địa phương, cơ sở và các đoàn thể xã hội trong việc triển khai các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho học sinh.
Tuy nhiên tại nhiều địa phương trong cả nước số vụ tai nạn giao thông có liên quan đến học sinh vẫn còn xảy ra nhiều, vì vậy trong thời gian tới việc phối hợp giữa lực lượng cảnh sát giao thông với chính quyền, gia đình, nhà trường sẽ phải nghiêm túc hơn để đảm bảo việc xử lý được nghiêm minh cũng như chấm dứt các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội.