Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Giúp con vượt qua áp lực học tập

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Kỳ vọng từ gia đình và xã hội ngày càng cao khiến áp lực học tập trở thành gánh nặng đối với nhiều học sinh.

Để giúp con vượt qua những căng thẳng này, cha mẹ cần thay đổi cách nhìn về thành tích, đồng thời trở thành điểm tựa vững chắc, đồng hành cùng con bằng sự thấu hiểu và yêu thương.

Vì sao trẻ em luôn cảm thấy áp lực trong học tập?

Áp lực học tập là sự mệt mỏi, căng thẳng về trí não và thể chất mà người học có thể gặp phải trong quá trình học tập. Càng học lên cao và càng gần đến các kỳ thi, học sinh, sinh viên sẽ càng cảm thấy áp lực.

Giúp con vượt qua áp lực học tập - 1

Áp lực có thể là yếu tố thúc đẩy trẻ nỗ lực, cố gắng đạt thành tích cao, nhưng nó cũng có thể trở thành rào cản tâm lý khiến trẻ căng thẳng, mệt mỏi, thậm chí là bất an, rối loạn lo âu, trầm cảm và nảy sinh suy nghĩ tiêu cực.

Tại Việt Nam, hệ thống giáo dục nặng về điểm số và thành tích khiến trẻ em luôn trong tình trạng học quá tải. Sự ganh đua giữa các học sinh với nhau khiến nhiều em học quá mức, không còn thời gian để vui chơi, giải trí hay giao tiếp với cha mẹ và mọi người xung quanh.

Tình trạng áp lực trong học tập kéo dài có thể làm gia tăng nguy cơ gây hại sức khỏe, đời sống và các mối quan hệ xã hội của trẻ. Đây là thực trạng đáng báo động đã được nhiều chuyên gia giáo dục cảnh báo.

Năm 2022, Khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành nghiên cứu về các rối loạn tâm lý ở học sinh tại một số trường THCS tại Hà Nội, kết quả cho thấy: 38% trẻ được nghiên cứu có các biểu hiện lo âu, 33% bị stress và trầm cảm là 26,1%.

Theo điều tra Sức khỏe tâm thần vị thành niên Việt Nam của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố tháng 11/2023, có 21,7% trẻ vị thành niên cho biết có vấn đề về sức khỏe tâm thần; 3,3% có các tiêu chí về rối loạn tâm thần. Vấn đề rối loạn lo âu phổ biến nhất với 18,6% và trầm cảm chiếm 4,3%.

Tuy nhiên, chỉ có 5,1% cha mẹ có con vị thành niên nhận thấy con của mình cần sự giúp đỡ đối với các vấn đề về cảm xúc và hành vi.

Khi áp lực học tập đến từ chính cha mẹ

Phụ huynh nào cũng mong muốn con đạt được thành tích cao để thành công trong tương lai. Điều này không sai, tuy nhiên cha mẹ không nên đặt kỳ vọng vượt quá khả năng của trẻ. 

Nhiều phụ huynh yêu cầu trẻ học tập quá mức, ngoài học tại trường còn phải tham gia các lớp học thêm, lớp học năng khiếu, lớp học phụ đạo, học tập tại nhà.

Cha mẹ luôn giám sát, theo dõi, liên tục nhắc nhở con học khiến trẻ không còn thời gian vui chơi với bạn bè đồng trang lứa. Khi trẻ không đạt được thành tích học tập như mong đợi, một số phụ huynh còn la mắng, thậm chí hạ nhục con. 

Mới đây, tại talkshow “Vững tâm lý, đón tương lai” đồng hành cùng học sinh cuối cấp, nhà báo Hoàng Anh Tú cho biết: “Học sinh cuối cấp đối diện với áp lực từ nhiều phía. Đó là áp lực từ cha mẹ, từ những người bạn.

Những áp lực ấy cực kỳ nặng nề, nếu không gỡ bỏ sẽ tác động rất lớn. Nhiều học sinh ăn không ngon, ngủ không yên, lo lắng, quên mất nhiều thứ mà mình nghĩ là mình đã nhớ nó”.

Theo các chuyên gia, để giảm áp lực tâm lý cho học sinh trong học tập, phụ huynh và nhà trường nên quan tâm giải quyết vấn đề từ gốc rễ thông qua việc động viên, chia sẻ khó khăn mà các em đang gặp phải. Cùng với nhà trường, phụ huynh nên là hậu phương vững chắc, chia sẻ và lắng nghe nhiều hơn thay vì thúc giục, đặt kỳ vọng và đòi hỏi quá sức với con em mình.

Đồng hành giúp con vượt qua áp lực học tập

Giúp con vượt qua áp lực học tập - 2
Áp lực vì điểm số và thành tích khiến cho trẻ em luôn trong tình trạng học quá tải (Ảnh minh họa: Chung Thủy).

Trẻ đang gặp áp lực học tập sẽ thường xuyên mệt mỏi, lo lắng, bất an, dễ bị kích động, nổi nóng. Một số trẻ có thể bị đau đầu, chóng mặt, suy nghĩ tiêu cực. Không tập trung nên trẻ khó tiếp thu kiến thức, dẫn tới kết quả học tập sa sút. Từ đó, trẻ sợ đi học, sợ đến trường lớp, tự tạo khoảng cách với mọi người, thích ở một mình, không muốn nói chuyện, giao tiếp với ai.

Để  giúp trẻ vượt qua áp lực học tập thì vai trò của cha mẹ  rất quan trọng. Cha mẹ có thể thực hiện những biện pháp sau:

Lắng nghe và chia sẻ: Cha mẹ cần chủ động lắng nghe, tạo không gian thoải mái để con chia sẻ những khó khăn trong học tập và cuộc sống. Thay vì phán xét, cha mẹ hãy thể hiện sự thấu hiểu và đồng hành cùng con.

Giảm bớt kỳ vọng và áp lực thành tích: Thay vì chỉ tập trung vào điểm số, cha mẹ nên khuyến khích con nỗ lực hết mình và coi trọng quá trình học hỏi. Khi cha mẹ đặt mục tiêu phù hợp sẽ giúp con cảm thấy tự tin và nhẹ nhàng hơn.

Hướng dẫn con quản lý thời gian khoa học: Cha mẹ có thể cùng con lập kế hoạch học tập, kết hợp thời gian học và nghỉ ngơi hợp lý. Việc cân bằng giữa học tập và thư giãn giúp cải thiện sức khỏe tinh thần và khả năng tập trung.

Tạo môi trường học tập thoải mái: Không gian học tập yên tĩnh và sự hỗ trợ tinh thần từ gia đình sẽ giúp trẻ cảm thấy an tâm và giảm bớt áp lực.

Khuyến khích trẻ hoạt động thể chất và giải trí: Vận động thể chất không chỉ giúp học sinh giải tỏa căng thẳng mà còn cải thiện tinh thần. Chơi thể thao, đi bộ hoặc tham gia các lớp học nghệ thuật sẽ giúp trẻ em cân bằng cảm xúc.

Tìm sự hỗ trợ từ giáo viên, bác sĩ, chuyên gia tâm lý: Nếu nhận thấy con có dấu hiệu căng thẳng kéo dài, cha mẹ nên tìm đến sự hỗ trợ từ giáo viên, chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ để can thiệp kịp thời.

Sự thấu hiểu, tình yêu thương và những phương pháp đúng đắn sẽ là chìa khóa để cha mẹ giúp con vượt qua áp lực, tự tin hơn trong học tập và cuộc sống.

Minh Thư - Hồng Nga

Ấn phẩm Vì trẻ em số 24