Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Khốc liệt cuộc đua vào lớp 10 công lập

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Chuyện tuyển sinh vào lớp 10 ở những thành phố lớn không mới nhưng luôn là vấn đề nóng. Trước thực trạng quá tải trường lớp, việc để có được một suất vào trường công lập đã khiến kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội nhiều năm nay căng thẳng hơn cả tuyển sinh vào cao đẳng, đại học.

Kỳ 1: Học sinh áp lực, phụ huynh lo lắng

Trước áp lực của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập ở Hà Nội, không ít học sinh ngay từ lớp 6 đã phải học ôn, luyện thi. Sức nóng của cuộc đua không chỉ khiến học sinh áp lực mà còn là nỗi lo lắng của nhiều phụ huynh.

Chạy đua ngay từ đầu cấp 2

Chị Thu Tâm có con trai đang học lớp 9 Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, con đặt nguyện vọng 1 vào Trường THPT Phan Đình Phùng, nguyện vọng 2 là Trường THPT Nguyễn Trãi. Do lực học của con tốt nên ngay từ khi học lớp 6, gia đình định hướng để con thi vào Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

1.jpg
 Học sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội năm học 2023.

“Xác định cuộc đua vào lớp 10 trường chuyên, trường công lập chưa bao giờ “hạ nhiệt” nên ngay từ lớp 6, gia đình đã tìm lớp ở trung tâm để con học thêm 1 buổi/tuần các môn  toán, văn, Anh.

Thời gian học của mỗi môn là 3 tiếng, với giá 300.000 đồng/buổi. Riêng môn toán hình học và đại số, mỗi môn 410.000 đồng/buổi. Ngoài ra, mỗi tuần một buổi, tôi thuê gia sư với giá 300.000 đồng để củng cố kiến thức con đã học trên lớp cũng như làm những bài tập khó. 3 tháng cuối lớp 9, con còn được “tăng tốc” học thêm lên 2 buổi/tuần. 

Bên cạnh đó, con thường xuyên luyện tập và làm các dạng đề thi nâng cao... Cứ ròng rã học thêm từ đó tới nay, thậm chí năm lớp 7, dịch Covid-19 bùng phát thì con học online”, chị Tâm chia sẻ. 

Để đồng hành với con, chị Tâm cùng các phụ huynh khác còn theo dõi thông tin về kỳ thi qua các diễn đàn đang “hot” trên Facebook, Zalo để chia sẻ kinh nghiệm chọn trường, lớp. 

“Vì lịch học kín hết thời gian nên con thường xuyên phải thức khuya để học bài, có khi 1 giờ sáng mới đi ngủ. Cả gia đình nóng lòng chờ đến ngày con “vượt vũ môn”. Câu nói “thi vào lớp 10 công lập còn khó hơn thi đại học” không hề cũ với học sinh ở Hà Nội và các thành phố lớn”, chị Tâm nói với tâm trạng đầy lo lắng.

Anh Huy Ngọc có con gái đang học lớp 9 Trường THCS Ngô Quyền (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, vì lo con thi trượt vào lớp 10 công lập nên chỉ cần nghe đồn có “lò” luyện chất lượng tốt thì dù xa nhà, anh và vợ vẫn thay phiên nhau chở con đi học. Từ lớp 7 tới giờ, sau giờ học chính ở lớp, con gái anh Ngọc thường học thêm 5 buổi/tuần các môn toán, văn, ngoại ngữ ở trung tâm. 

“Cứ sau 5 giờ chiều, tôi đón con ở trường rồi lại vội chở đi học thêm, con chỉ kịp ngồi sau lưng bố mẹ ăn lót dạ ổ bánh mì hoặc gói phở xào. Khi con vào học, bố ở ngoài chờ.

Kết thúc buổi học, hai bố con về tới nhà cũng 10 giờ đêm, con chỉ kịp tắm và ăn qua loa rồi ngồi vào bàn soạn sách vở, học bài tới 12 rưỡi mới đi ngủ, sáng lại tranh thủ dậy sớm ôn bài. Xót con lắm chứ nhưng không học thêm thì cơ hội giành suất vào lớp 10 công lập sẽ khó hơn “mò kim đáy bể”, anh Ngọc cho biết. 

Chị Lan Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) có con gái học lớp 9 cho biết, con chị có học lực khá, điểm trung bình các môn đều trên 8.0 nhưng cũng không dám chắc suất vào trường công lập.

Sắp đến kỳ thi, không chỉ con mà cả gia đình đều hồi hộp lo lắng: “Ngày nào con cũng học đến khuya, tập trung vừa học nốt chương trình trên lớp, vừa tự ôn tập. Ngoài thời gian học ở trường, con học thêm kín tuần từ thứ hai đến bẩy, buổi tối cũng học đến 12 rưỡi, 1 giờ sáng mới đi ngủ. Chỉ mong con sẽ đỗ vào lớp 10 trường công lập nào đó”, chị Phương nói.

icdn.dantri.com.vn-2022-10-24-_nhieu-em-mua-san-do-an-de-bo-sung-nang-luong-truoc-khi-vao-tiet-hoc-edited-1666580806552.jpeg
Không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều học sinh lớp 9, vừa tan học buổi chiều đã tranh thủ ra mua đồ ăn để chuẩn bị bước vào lớp học thêm buổi tối (Ảnh minh hoạ).

Quay cuồng vì sự học

Gần 10 giờ đêm, trên phố Hai Bà Trưng (Hà Nội), vừa tan lớp học thêm, đang ăn nốt miếng bánh mỳ trong lúc chờ mẹ đến đón, em Quang Anh, học sinh lớp 9 (quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Để giành được một suất vào lớp 10 trường công, từ lớp 8 đến nay, em phải tranh thủ học và ôn mọi thời điểm có thể.

Ngoài học chính khóa, học thêm ở trường, em học thêm ở nhà cô và trung tâm gia sư. Nhiều hôm em ngủ không đủ giấc nên rất mệt, nhưng giai đoạn nước rút này cần phải tranh thủ "nạp" kiến thức và giải nhiều dạng đề mới mong đỗ được nguyện vọng một".

Cũng giống Quang Anh, ngay từ giữa năm lớp 8, Thùy Linh, học sinh lớp 9 Trường THCS Yên Hòa, Cầu Giấy (Hà Nội) cảm nhận rõ sức nóng cuộc đua vào lớp 10 công lập.

Thời khóa biểu các ngày trong tuần của Linh đều được lấp kín bằng lịch học chính khoá trên lớp, học thêm. Hàng ngày về đến nhà lúc 10 giờ tối, Linh chỉ nghỉ ngơi khoảng nửa tiếng, tranh thủ tắm rửa, ăn vội bát cơm rồi lại tiếp tục ngồi vào bàn làm bài tập, luyện đề ôn thi, không hôm nào đi ngủ trước 1 giờ sáng.

“Lượng kiến thức khổng lồ khiến em cảm thấy uể oải, chán nản nhưng nếu không cố gắng thì sẽ không đạt kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới. Mục tiêu của em là thi đỗ vào lớp 10 Trường THPT Cầu Giấy và THPT Yên Hòa.

Năm ngoái, hai trường này lấy điểm chuẩn lần lượt 41,5 và 42,25 (trung bình khoảng 8,4 điểm mỗi môn). Do vậy, em chỉ còn cách cố gắng”, Linh nói.

Trên đường phố Hà Nội những ngày này không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều học sinh lớp 9 vừa ngồi sau xe máy của bố mẹ vừa ăn tạm ổ bánh mỳ để đến lớp học thêm.

Nhiều em cho biết, các em luôn quay cuồng với việc học, làm thử đề thi, đề nâng cao, không có nhiều thời gian để ngủ cũng như giải trí nên thường xuyên trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi.

Đa số phụ huynh ở Hà Nội có con đang học lớp 9 cho biết, nhiều năm qua, kỳ thi vào lớp 10 công lập được đánh giá là kỳ thi căng thẳng nhất trong các cấp học.

Do vậy, việc đỗ vào một trường công lập vừa là mục tiêu, vừa là thách thức lớn đối với cả con và gia đình. Chi phí học thêm, luyện thi chưa bao giờ dưới       5 triệu đồng/tháng, chiếm một phần lớn thu nhập của gia đình.

Theo thống kê sơ bộ của Sở GD&ĐT Hà Nội, số học sinh lớp 9 trên địa bàn thành phố tham gia xét công nhận tốt nghiệp THCS năm học 2023-2024 khoảng 135.000 em (tăng 5.000 em so với năm học trước).

Trong số học sinh tốt nghiệp THCS, tỷ lệ chỉ tiêu đỗ vào lớp 10 các trường công lập năm nay khoảng 60%. Còn lại các em phải lựa chọn theo học tại các trường THPT tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường cao đẳng.

Như vậy, kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập tới đây, Hà Nội dự kiến khoảng 81.000 em đỗ vào các trường công lập, còn lại 54.000 em không đỗ, phải học trường tư hoặc trường nghề. 

 

Kỳ 2: “Cân não” chọn trường

Thanh Hòa