Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Tuyển sinh lớp 10: Môn thi thứ 3 nên "chốt" cố định là ngoại ngữ

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Tuy đã hủy bốc thăm môn thi thứ 3 vào lớp 10 THPT công lập nhưng Bộ GD&ĐT vẫn đề xuất môn thi này sẽ thay đổi luân phiên qua các năm.

Điều này tiếp tục khiến phụ huynh, học sinh lo lắng. Các nhà giáo dục cho rằng, các môn thi tuyển sinh vào lớp 10 nên xác định rõ, minh bạch và có sự ổn định trong nhiều năm.

Mới đây, trong Dự thảo Quy chế tuyển sinh THCS và THPT, Bộ GD&ĐT đã rút đề xuất bốc thăm để chọn ngẫu nhiên môn thi thứ 3 vào lớp 10. Theo đó, môn thi thứ 3 sẽ không cố định mà thay đổi luân phiên hàng năm (môn thi thứ 3 của năm sau không được trùng với môn thi thứ 3 của năm liền kề trước đó) và được công bố trước ngày 31/3 hàng năm. 

Tuyển sinh lớp 10: Môn thi thứ 3 nên "chốt" cố định là ngoại ngữ - 1
Thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT công lập ở Hà Nội năm 2024.

Thông tin này tiếp tục khiến nhiều phụ huynh và học sinh lo lắng. Em Quốc Việt, học sinh lớp 8 Trường THCS Thọ Sơn (Việt Trì, Phú Thọ) chia sẻ, áp lực thi cử sẽ tăng nếu không biết sớm môn thi thứ 3.

“Sự thay đổi lựa chọn môn thi thứ 3 khiến em luôn cảm thấy hoang mang. Điều này đòi hỏi chúng em phải học nhiều môn học không phải thế mạnh của mình, có thể dẫn đến quá tải kiến thức.

Chúng em mong muốn việc thi tuyển vào lớp 10 duy trì ở hình thức thi 3 môn: Toán, ngữ văn và tiếng Anh. Việc cố định môn thi không chỉ giảm áp lực mà còn giúp nâng cao trình độ ngoại ngữ của chúng em”, Quốc Việt mong muốn.

Vui mừng khi môn thi thứ 3 vào lớp 10 không phải bốc thăm nhưng điều khiến Tuyết Mai (học sinh lớp 9, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và các bạn lo lắng là việc thay đổi môn thi thứ 3 vào lớp 10 hàng năm.

“Thời điểm công bố môn thi thứ 3 vào 31/3 là quá muộn. Bên cạnh môn thi, chúng em còn phải học các môn khác nên khó ôn tập hiệu quả trong thời gian ngắn", Mai chia sẻ.

Nhiều học sinh lớp 9 cũng cho biết, môn thi thứ 3 thay đổi hàng năm tạo áp lực không đáng có và không công bằng đối với học sinh lớp 9 vốn đã căng thẳng với việc "học ngày, cày đêm" chuẩn bị cho kỳ vượt vũ môn vào lớp 10, được ví von áp lực hơn cả thi đại học. 

Có con đang học lớp 8, chị Phương Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, về bản chất, việc yêu cầu môn thi thứ 3 phải thay đổi hàng năm không khác nhiều so với việc phải bốc thăm để lựa chọn môn thi.

“Như vậy kỳ thi lớp 10 vẫn là trò may rủi. Nếu thay đổi như dự thảo, việc này không hề giảm bớt gánh nặng cho học sinh, ngược lại còn tạo ra sự bất an”, chị Phương Anh nói. 

Chị Phương Hoa có con trai đang học lớp 9 (quận Bình Thạnh, TPHCM) cho rằng, trước khi bước vào kỳ thi lớp 10, học sinh phải học đều các môn để trải qua đợt kiểm tra cuối học kỳ II với mục đích xét tốt nghiệp THCS, nếu cho rằng việc thay đổi môn thứ 3 mỗi năm sẽ đảm bảo giáo dục toàn diện là không hợp lý.

“Nên chốt cố định là ngoại ngữ vì môn học này cũng phù hợp với định hướng đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”, chị Hoa đề xuất.

Đánh giá về dự thảo, thầy Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng, các môn thi tuyển sinh vào lớp 10 nên xác định rõ ràng, minh bạch và có sự ổn định trong nhiều năm.

Với quan điểm thi tuyển THPT gọn nhẹ, không gây áp lực và tốn kém, số môn thi có thể là 2 hoặc 3 môn. Nếu 2 môn thì nên chọn toán và ngữ văn, nếu thi 3 môn thì chọn toán, ngữ văn và ngoại ngữ.  

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT), để đảm bảo mục tiêu giáo dục kiến thức toàn diện cho học sinh ở bậc THCS, cần siết việc kiểm tra đánh giá định kỳ tại các nhà trường chứ không phải bằng cách luân phiên thay đổi môn thi thứ 3 hàng năm như dự thảo.

Hiệu trưởng một trường THCS (quận 11, TPHCM) cho hay: “Nên để các địa phương chủ động lựa chọn môn thứ 3 thi lớp 10. Với xu thế hội nhập toàn cầu, tiếng Anh là môn thi thứ 3 rất phù hợp. Hơn nữa, môn thi này cũng góp phần để thành phố xây dựng trường học sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai”.

Cũng có ý kiến cho rằng, với môn thi thứ 3, nên để học sinh đăng ký tùy theo năng lực, sở trường của các em. Với phương án này, công tác tổ chức thi vất vả hơn nhưng học sinh sẽ thuận lợi hơn.

Thanh Hòa

Báo Lao động và Xã hội số 130