Điểm đến ngày hè của bạn trẻ mê sách
Các em nhỏ ở phường Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) hào hứng khoe nhau về một tấm thẻ màu trắng - tấm thẻ sẽ dẫn tới một “kho báu đặc biệt”, đó chính là “Thư viện yêu thương”. Thư viện được bài trí nghệ thuật, bắt mắt, theo xu hướng của giới trẻ để thu hút các bạn nhỏ.
Mở cửa từ tháng 10/2022, thư viện sách miễn phí là tâm huyết của nữ họa sĩ Ngô Quỳnh Liên. Các em có thẻ sẽ được vào cửa và đọc sách miễn phí tại thư viện, hoặc mượn sách về nhà.
Họa sĩ Ngô Quỳnh Liên cho biết: “Dù mở thư viện sách miễn phí không còn mới mẻ, nhưng đối với xóm nhỏ của chúng tôi là điều mới lạ. Nơi đây là vùng ven đô, học sinh còn nhiều thiệt thòi hơn so với vùng nội thành. Các em không có nhiều sân chơi, hoạt động trải nghiệm. Thay vì để trẻ tiếp xúc với thiết bị điện tử, tôi muốn lan tỏa văn hóa đọc tới các em. Đọc sách là một cách giải trí lành mạnh, giúp trẻ em thư giãn sau những giờ học căng thẳng”.
"Thư viện yêu thương" đã trở thành địa chỉ quen thuộc, thu hút được sự quan tâm đông đảo của học sinh trên địa bàn. Diện tích khiêm tốn chỉ khoảng 70m2, nhưng thư viện hiện có hơn 2.000 đầu sách các thể loại, do người dân và các em nhỏ tự đóng góp.
Đến thư viện với một cuốn sách trên tay, em Mạnh Hùng khoe: “Đây là cuốn “Dế mèn phiêu lưu ký” của em. Vì muốn các bạn khác cũng có thể được đọc cuốn sách này nên em đã đóng góp vào thư viện”. Đi cùng con, mẹ em Mạnh Hùng vui mừng kể: “Mấy năm trước, điểm môn Văn của con chỉ suýt soát 8.0. Nhưng năm nay, môn Văn con học vượt trội, điểm trung bình trên 9. Tôi nghĩ, điểm văn của con tiến bộ là có một phần là do con chăm chỉ đọc sách tại thư viện”.
Em Như Quỳnh (lớp 5, Trường Tiểu học Liên Mạc) chia sẻ: “Thư viện yêu thương” có không gian yên tĩnh, tư liệu sách phong phú đã tạo cơ hội cho em được tiếp cận với những cuốn sách hay, bổ ích. Đến không gian đọc sách này, em không những được khám phá kiến thức mà đây còn là nơi ôn tập bài học trên lớp”.
Cuối tuần nào, em Minh Đồng (lớp 5A5, Trường Tiểu học Liên Mạc) cũng háo hức đến “Thư viện yêu thương” để đọc truyện. Minh Đồng cho biết: “Những ngày cuối tuần em thường chơi game, nhưng từ khi biết đến “Thư viện yêu thương” thì em hay ra đây để đọc truyện. Đọc truyện ở nhà rất buồn ngủ, nhưng ở thư viện em lại rất tập trung”.
Nhiều hoạt động trải nghiệm bổ ích và lý thú
Ngoài hoạt động đọc và mượn sách thông thường, “Thư viện yêu thương” còn tổ chức nhiều hoạt động đa dạng như: giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu, tổ chức các buổi giao lưu, kết nối... Đặc biệt, họa sĩ Ngô Quỳnh Liên còn mời chuyên gia tâm lý chia sẻ với phụ huynh về tâm lý lứa tuổi, cách chăm sóc trẻ, tạo hứng thú đọc sách cho trẻ, hướng dẫn cách vận dụng kiến thức trong sách vào cuộc sống.
Đến với thư viện, trẻ em còn được vẽ tranh theo cốt truyện. Những bức tranh đẹp nhất được chọn lưu và treo tại thư viện hoặc gửi dự thi các cuộc thi vẽ phù hợp nội dung. Ngoài ra, tại thư viện cũng có các cuộc thi đọc diễn cảm, thi đọc nhanh; thu đổi chất thải rắn lấy sách, truyện.
Bên cạnh đó, thư viện còn thu hút các em nhỏ đến với các buổi trải nghiệm làm đồ tái chế. Họa sĩ Quỳnh Liên chia sẻ: “Hôm trước, các em tập làm một tấm thiệp, hôm khác lại được hướng dẫn làm đồ tái chế từ nắp vỏ chai tạo thành các bông hoa xinh xắn, hay những con lật đật đáng yêu. Các em được tập tỉa rau củ quả, cắm hoa… Tham gia làm thiệp chúc mừng các ngày lễ trong năm, các em có thể bán lấy tiền liên hoan và mua dụng cụ học tập, rất hữu ích”.
Vừa qua, buổi trưng bày và giới thiệu sản phẩm sáng tạo ứng dụng của “Thư viện yêu thương” đã diễn ra thành công. Toàn bộ các tác phẩm do các em vẽ đã được mua hết. Đây thực sự là một kỷ niệm đẹp, ý nghĩa của các em trong dịp hè 2024.
Trẻ được tham gia vận hành thư viện
Bên cạnh những tấm thẻ màu trắng để các em đến đọc và mượn sách, tại thư viện còn có những tấm thẻ xanh đặc biệt dành cho các tình nguyện viên nhí.
Em Ngọc Minh kể: “Trước đây là ông, bà trông coi thư viện. Hè năm nay, chúng em đăng ký là tình nguyện viên để cùng ông, bà quản lý thư viện. Em được làm những nhiệm vụ như: mở cửa đón các bạn tới đọc sách, sắp xếp lại sách theo danh mục, quét dọn thư viện, chăm sóc cây xanh cho cảnh quan tươi đẹp. Em rất thích được tham gia vào các công việc để vận hành thư viện ngày một tốt hơn”.
Họa sĩ Quỳnh Liên cho biết, các bạn nhỏ phải qua phỏng vấn để được làm tình nguyện viên của thư viện. Những tình nguyện viên được lựa chọn sẽ đeo thẻ màu xanh. Tham gia thường xuyên có khoảng 15 bạn tình nguyện viên, trong đó chính thức có 4 bạn ở Liên Mạc. Các em rất tự hào khi được giao nhiệm vụ quan trọng này.
Số lượng bạn đọc đến “Thư viện yêu thương” ngày một đông và đọc sách dần trở thành thói quen của người dân ở đây. Có thể nói, thư viện sách miễn phí này là một mô hình hay và cần được nhân rộng bởi đã góp phần lan tỏa văn hóa đọc cho người dân địa phương.
Hạnh phúc khi “Thư viện yêu thương” ngày càng nhận được sự yêu mến của người dân, đặc biệt là các em học sinh, họa sĩ Ngô Quỳnh Liên mong muốn duy trì và bổ sung đầu sách theo nhiều chủ đề cho thư viện. Chị cũng hy vọng, sẽ có nhiều mô hình thư viện miễn phí để lan tỏa văn hóa đọc, bởi đó cũng là cách gieo những hạt mầm xanh cho tương lai.
“Để “giữ lửa” văn hóa đọc cần những hoạt động định hướng mang tính lâu dài, như xây dựng thư viện sách miễn phí, câu lạc bộ đọc sách, tổ chức đọc sách theo kế hoạch hằng tuần, hằng tháng... Mô hình thư viện sách miễn phí là ví dụ điển hình. Nếu ở đâu cũng có một thư viện miễn phí như thế sẽ khuyến khích mọi người tham gia nhiều hơn, lan tỏa văn hóa đọc sâu rộng” - Nhà báo Phạm Hồng Tuyến. |
Hồng Nga
Ấn phẩm Vì trẻ em số 13