Việt Nam đã phủ sóng internet trên 99,7% số thôn trên toàn quốc, riêng vùng phủ 3G, 4G đã lên tới 95% dân số, đưa Việt Nam tiệm cận mức phổ cập internet cao nhất, tương đương với những quốc gia phát triển.
Đến tháng 3/2023, Việt Nam có khoảng 24,7 triệu trẻ em, trong đó khoảng 2/3 trẻ em đang tiếp cận, sử dụng các thiết bị kết nối internet.
Theo khảo sát của Google thực hiện năm 2022, độ tuổi trung bình trẻ em Việt Nam sử dụng điện thoại di động là 9, trong khi độ tuổi trung bình của trẻ em trên thế giới sử dụng điện thoại di động và bắt đầu được tiếp cận về các kỹ năng an toàn mạng là 13.
Đáng chú ý, sau quá trình thích ứng với các hoạt động học tập, giải trí, kết nối trực tuyến trong đại dịch Covid-19, độ tuổi trẻ em sử dụng internet tại Việt Nam có xu hướng giảm xuống trung bình từ 6 - 7 tuổi…
Internet đã mở ra cơ hội trong việc tiếp cận thông tin, tri thức, học tập sáng tạo, phát triển bản thân, kết nối xã hội. Tuy nhiên, các đối tượng xấu, các loại hình tội phạm cũng đang lợi dụng môi trường mạng để hoạt động.
Do đó, nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em, bao gồm: Những hành vi xâm hại và các yếu tố nguy hiểm khác có thể tác động tiêu cực, gây tổn hại đến tâm lý, nhân phẩm, thậm chí là sức khỏe, tính mạng.
Các đối tượng phạm tội đã lợi dụng không gian mạng để thực hiện thủ đoạn dụ dỗ và sau đó xâm hại trẻ em. Nạn nhân không chỉ có trẻ em gái mà trẻ em trai cũng bị xâm hại tình dục.
Các thủ đoạn chính của tội phạm gồm: Kết bạn làm quen, cho vay tiền qua ứng dụng để yêu cầu gửi ảnh nhạy cảm; gửi đường link có chứa mã độc yêu cầu nạn nhân tham gia và khống chế; đưa ảnh nhạy cảm vào các trang web có mục đích khiêu dâm...
Thậm chí không chỉ dừng lại trên mạng, đối tượng dụ dỗ trẻ em, yêu cầu ngắt kết nối với gia đình, người thân, sau đó xâm hại các em.
Thượng tá Lê Minh Hải, Phó Trưởng phòng An ninh mạng (Công an TPHCM) cho biết, các đối tượng đề nghị các em gửi ảnh nhạy cảm, từ làm quen rồi rủ đi khách sạn, dùng hình ảnh để khống chế các em, nếu không đồng thuận sẽ phát tán lên mạng. L
úc này, các em lo sợ bị lộ những hình ảnh nhạy cảm nên chấp thuận chịu sự quản lý đối tượng.
Theo Đại tá Vũ Văn Đấu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an, thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm trên không gian mạng cho thấy, một số nhóm kín, chủ yếu là người nước ngoài mua chuộc đối tượng người Việt Nam để thực hiện video khiêu dâm, đặc biệt với người dưới 10 tuổi và có cả trẻ em trai.
Từ năm 2021 đến 2023, triển khai Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về "Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025", lực lượng công an đã khởi tố 484 vụ, 553 bị can về các tội:
"Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi", "Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi", "Tội dâm ô với người dưới 16 tuổi", "Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm", "Tội mua bán người dưới 16 tuổi", "Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy"…
Lực lượng công an xử phạt hành chính 28 vụ, 49 chủ thể vi phạm về các hành vi thu thập, sử dụng, công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em; cung cấp, chia sẻ thông tin bạo lực học đường, thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm trẻ em...
Phối hợp với gia đình, nhà trường nhắc nhở, giáo dục, răn đe 76 vụ với 163 trường hợp về các hành vi chia sẻ thông tin bạo lực học đường, xúc phạm danh dự, nhân phẩm trẻ em…
Ngoài ra, lực lượng công an đã xử lý 779 đối tượng, cá nhân thực hiện các hành vi xâm phạm quyền trẻ em, gây nguy hại cho trẻ em trên môi trường mạng; ngăn chặn 30.000 trang mạng có nội dung vi phạm pháp luật, dâm ô đồi trụy, cờ bạc trực tuyến, lừa đảo, bạo lực, độc hại đối với trẻ em, thông tin trẻ em bị xâm hại tình dục, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; vô hiệu hóa hàng chục nghìn liên kết có nội dung độc hại, vi phạm pháp luật…
Theo các chuyên gia, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng không chỉ gây ra những tổn thương về thể xác mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và tâm lý của trẻ em. Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, cần có sự phối hợp và đồng thuận của cả cộng đồng.
Các cơ quan chức năng cần ban hành và thực thi các chính sách, luật pháp và biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại trẻ em trên mạng. Đồng thời, tăng cường tính năng đảm bảo an toàn và các công cụ mới để giúp cha mẹ và giáo viên có thể dạy cho trẻ sử dụng internet một cách an toàn.
Đức Thọ
Báo Lao động Xã hội số 50