Đó là phát biểu của luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ trẻ em TPHCM khi nhận Giải thưởng và Học bổng KOVA năm 2023 - hạng mục Sống đẹp, ngày 2/12/2023, tại TPHCM.
Để hiểu rõ hơn về các hoạt động của Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, phóng viên Báo Dân trí đã có cuộc trò chuyện cùng luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ trẻ em TPHCM.

- Năm 2023, Chi hội đã trợ giúp pháp lý cho bao nhiêu trường hợp?
- Tính đến ngày 30/11/2023, Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố đã phối hợp với Tổ Trợ giúp pháp lý miễn phí - Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM tiếp nhận và tư vấn pháp luật cho 224 lượt công dân (Nữ: 186 trường hợp, tỷ lệ 83%; Nam: 38 trường hợp, tỷ lệ 17%), so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 18 trường hợp.
Nội dung tư vấn xoay quanh các vấn đề như giải quyết các tranh chấp dân sự; hỗ trợ pháp lý, làm luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho trẻ em nghi bị xâm hại; thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe bị xâm phạm; giải quyết các mâu thuẫn gia đình…
- Đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại cần tư vấn tâm lý, hỗ trợ về vật chất, hỗ trợ bảo vệ quyền trong suốt quá trình xét xử, Chi hội Luật sư hỗ trợ như thế nào, và sau xét xử, có tiếp tục hỗ trợ, tư vấn về tâm lý cho trẻ?
- Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM luôn giúp đỡ, tư vấn tâm lý, hỗ trợ vật chất, tinh thần và bảo vệ trẻ em bị bạo lực, xâm hại trong suốt quá trình điều tra, truy tố cũng như xét xử.
Sau khi xét xử xong, tùy hoàn cảnh các em, chúng tôi sẽ hỗ trợ các em tiếp tục học văn hóa, học nghề, hoặc gửi các em tới ngôi nhà Nhịp cầu hạnh phúc (nơi nuôi dưỡng và điều trị tâm lý những trẻ em bị khai thác, xâm hại tình dục), giúp các em có chỗ ở an toàn để các em được hòa nhập cộng đồng, đi học văn hóa tại các trường công lập, học nghề, học bổ túc...
Bằng mọi nỗ lực, chúng tôi góp phần không để em nào bị bỏ lại phía sau.

- Tổ chức các phiên tòa giả định giúp học sinh hiểu hơn về pháp luật, chị nhận thấy kiến thức pháp luật của trẻ em ở mức nào? Theo chị, để nâng cao sự hiểu biết về pháp luật cho trẻ em, cần phải làm gì?
- Trong thời gian diễn ra các phiên tòa giả định, qua quan sát, tôi nhận thấy các em rất hào hứng và chú ý lắng nghe từng vai diễn của Hội đồng xét xử, kiểm sát viên và luật sư... Sau phiên tòa, các em đặt câu hỏi cho các luật sư hoặc các luật sư sẽ đặt câu hỏi cho các em.
Các em rất chú ý đến các tình tiết, nội dung chủ đề của phiên tòa. Nhiều em sau đó rất sợ vì các em hiểu được rằng, đánh nhau gây thương tích có thể sẽ bị khởi tố... Biết được điều này, các em sẽ tránh và không dám đánh nhau, biết yêu thương bạn bè nhiều hơn và giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn...
Thời gian vừa qua, tại TPHCM, Chi hội Luật sư đã phối hợp thường xuyên với Hội LHPN TPHCM và các tổ chức chính trị xã hội như UBND các quận, huyện, Đoàn Thanh niên, Phòng Tư pháp… tổ chức các phiên tòa giả định tại các trường học; tuyên truyền pháp luật, nói chuyện chuyên đề cho người dân tại các xóm trọ vào các ngày thứ 7, chủ nhật.
Ngoài ra, chúng tôi còn tuyên truyền pháp luật trong các dịp đặc biệt như ngày 8/3, ngày 20/10, ngày Pháp luật Việt Nam 9/11…
Chúng tôi cũng phối hợp với Hội LHPN Việt Nam để tuyên truyền và phổ biến pháp luật tới 30/63 tỉnh thành trên khắp cả nước.
Đặc biệt, với Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030, chúng tôi đã tới cả những tỉnh, thành phố miền núi phía Bắc để tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Riêng cá nhân tôi còn phối hợp với Hội LHPN TPHCM tập huấn về tiền hôn nhân cho các cặp đôi chuẩn bị kết hôn tại 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Nhờ các phiên tòa giả định và các buổi tuyên truyền pháp luật mà sự hiểu biết về luật pháp của người dân đã không ngừng được nâng cao.
Theo báo cáo của ngành Công an, các vụ xâm hại và bạo hành trẻ em năm 2023 đã giảm một cách đáng kể, một là vì các em đã biết cách tự bảo vệ mình, hai là người lớn, đặc biệt là các bậc phụ huynh đã quan tâm hơn tới các em, biết lắng nghe và tin tưởng khi các em chia sẻ những vấn đề đang gặp phải.
- Xin trân trọng cảm ơn chị!
Giải thưởng, học bổng KOVA do PGS, TS Nguyễn Thị Hòe sáng lập năm 2002. Giải thưởng ra đời với mục đích đóng góp cho sự phát triển bền vững của cộng đồng thông qua việc khuyến khích nghiên cứu khoa học ứng dụng, lan tỏa những hành động nhân văn và ươm mầm, hỗ trợ cho các em sinh viên triển vọng trên cả nước. |
Thanh Huyền (thực hiện)