Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Hà Nội: Đẩy mạnh công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em

Quang Dương
Quang Dương

Năm 2024, Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, hướng tới một đất nước phát triển bền vững và hạnh phúc.

Thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW của Bộ Chính trị, Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội đã chủ động lập kế hoạch và triển khai Kế hoạch số 232-KH/TU của Thành ủy nhằm đẩy mạnh công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, hướng tới một đất nước phát triển bền vững và hạnh phúc.

Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị nhằm thảo luận các giải pháp bảo vệ trẻ em trong năm 2024, với sự tham gia của các địa phương và tổ chức liên quan.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em cũng được đẩy mạnh, cùng với việc nâng cao quản lý dữ liệu trẻ em thông qua phần mềm chuyên dụng, đảm bảo quyền lợi cho trẻ em.

Sở LĐ-TB&XH cho biết, công tác quản lý trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nói riêng tiếp tục được duy trì theo nề nếp.

Theo đó, số trẻ em các quận, huyện, thị xã quản lý (tính đến ngày 15/11) các quận, huyện, thị xã quản lý tổng cộng 2.513.317 trẻ em, trong đó có 13.924 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và 21.233 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Đáng chú ý, 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã được chăm sóc và hỗ trợ, với 93% hộ gia đình đạt tiêu chí "ngôi nhà an toàn".

Theo Nghị quyết số 25/2022/NQ-HĐND, thành phố đã trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và các cơ sở trợ giúp xã hội. Trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2024, đã có 393.768 lượt trẻ được nhận quà và học bổng với tổng kinh phí hơn 31,3 tỷ đồng.

Hà Nội: Đẩy mạnh công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em - 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm, tặng quà các thầy cô giáo, các cháu học sinh đang theo học tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội (Ảnh: VGP).

Trong dịp Tết Trung thu, mặc dù thời tiết không thuận lợi, hơn 761.458 trẻ em đã nhận quà với tổng kinh phí gần 35,8 tỷ đồng. Đáng chú ý, 23,8 tỷ đồng trong số này đến từ nguồn xã hội hóa.

"Với mục đích chăm sóc cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hoàn cảnh khó khăn có thêm  điều kiện để học tập, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ xã hội vận động nguồn lực hỗ trợ.

Kết quả 11 tháng, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ xã hội đã vận động được 297 đơn vị tài trợ nguồn lực cho Quỹ Bảo trợ trẻ em Thành phố với số tiền 9,6 tỷ đồng (gồm tiền mặt 7,7 tỷ đồng và hiện vật trị giá 1,9 tỷ đồng). Thành phố đã thực hiện hỗ trợ cho 6.012 lượt trẻ em với kinh phí 10,59 tỷ đồng", đại diện sở LĐ-TB&XH thông tin.

Công tác can thiệp và trợ giúp trẻ em cũng được chú trọng. Đến nay, đã tiếp nhận 81 thông tin vụ việc, trong đó 73 vụ đã được xác minh và can thiệp đúng theo quy định, đảm bảo quyền lợi cho từng trường hợp trẻ em.

Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước

Là lời Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong chuyến thăm, tặng quà các thầy cô giáo, các cháu học sinh đang theo học tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội, nhân dịp Tết thiếu nhi 1/6.

Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân Việt Nam ngày càng hạnh phúc và ấm no.

Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai của đất nước, đầu tư cho sự phát triển lâu dài, bền vững, nhanh và mang lại hiệu quả cao; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Thủ tướng khẳng định, sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước đã mang lại những kết quả rất tích cực, trẻ em khuyết tật được đặc biệt quan tâm, theo đúng tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau", không hy sinh tiến bộ, công bằng và an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và nguồn lực phát triển.

Nhiều địa phương, trong đó tiêu biểu là Hà Nội không chỉ thực hiện đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách cho trẻ em đặc biệt khó khăn, trẻ em khuyết tật theo quy định chung, mà còn chủ động ban hành các chính sách đặc thù mở rộng theo thẩm quyền để chăm sóc tốt hơn cho các cháu.