Nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong thực thi chính sách
Trong hoạt động truyền thông của Đảng, Nhà nước, truyền thông chính sách là một phần đặc biệt quan trọng.
Thực tế cho thấy, thời gian qua công tác truyền thông chính sách được quan tâm triển khai tích cực và thường xuyên trong quá trình xây dựng, thực thi và hoàn thiện chính sách.

Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, trong đó có những thông tin không chính thức đã ảnh hưởng không nhỏ tới dư luận xã hội thì công tác truyền thông chính sách càng cần được quan tâm đúng mức, nâng cao tính chuyên nghiệp trong toàn hệ thống cơ quan hành chính nhà nước.
Với lợi thế sẵn có khối lượng độc giả, khán thính giả lớn, báo chí là một trong những kênh thông tin tuyên truyền hiệu quả nhất.
Thực tế cho thấy, truyền thông chính sách trên báo chí thời gian qua đã góp phần quan trọng để đưa chính sách pháp luật vào đời sống xã hội, hòa quyện hơi thở cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách; đưa chính sách đến với người dân - đối tượng trực tiếp thụ hưởng, chịu tác động của chính sách một cách hữu hiệu nhất.
Ở chiều ngược lại, báo chí cũng là nơi phản ánh những đề xuất, kiến nghị của người dân tới các cấp chính quyền về các chính sách, quy định pháp luật chưa thật phù hợp, về những bất cập, vướng mắc, bức xúc trong việc thực thi và chấp hành pháp luật để từ đó cơ quan quản lý nhà nước có sự điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung chính sách cho phù hợp.
Với sự phát triển không ngừng của công nghệ cùng với công cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ, hiện nay hầu hết cơ quan báo chí đều hoạt động theo phương thức đa nền tảng, đa phương tiện, tích hợp cả báo viết, báo nói và báo hình, tạo nên một hệ sinh thái truyền thông đa dạng, phong phú.
Đây chính là yếu tố quan trọng để công tác truyền thông chính sách trên báo chí trở nên sinh động, hấp dẫn, thay vì các hình thức khô khan, thiếu cuốn hút như trước đây.
Cũng với lợi thế của việc ứng dụng công nghệ, cơ quan báo chí hoàn toàn có thể rà quét, phân tích dữ liệu người dùng để tạo nên những công cụ đo lường, đánh giá hiệu quả công tác truyền thông chính sách.
Thao tác này sẽ đánh giá, đo đếm chính xác những thông tin được người dân quan tâm, những phương thức, cách thức tuyên truyền hiệu quả cao nhất, để từ đó có sự điều tiết, định hướng xu hướng truyền thông, thông tin.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm khẳng định, công tác truyền thông chính sách đi trước, đón đầu sẽ tạo được sự đồng thuận trong xã hội và nhân dân. Việc nắm bắt chủ trương, hoạch định chính sách, lấy ý kiến nhân dân, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thực thi pháp luật là các khâu vô cùng quan trọng.
Để mỗi khâu đạt hiệu quả, việc truyền thông chính sách cũng như góp ý, phản biện trong quá trình xây dựng chính sách nhằm tạo đồng thuận là rất cần thiết.
Nguồn lực nào cho truyền thông chính sách?

Việc huy động nguồn nhân lực, vật lực cho truyền thông chính sách là hết sức quan trọng, đóng vai trò quyết định trong việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, để chính sách thực sự đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, một trong những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến công tác truyền thông chính sách trên báo chí thời gian qua là do kinh tế báo chí gặp nhiều khó khăn, dẫn đến sụt giảm nguồn thu từ hoạt động quảng cáo.
Báo chí chính thống đang “hụt hơi” trong cuộc đua thu hút doanh thu quảng cáo trực tuyến với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Điều đó dẫn đến việc nguồn kinh phí phục vụ cho công tác truyền thông ngày càng eo hẹp.
Bên cạnh đó, theo nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí, một trong những khó khăn mà báo chí đang gặp phải cũng nằm ở chính cơ chế đặt hàng, khi các thủ tục đấu thầu đang gây khó cho chính những cơ quan báo chí có thể giành được những hợp đồng truyền thông chính sách ở trung ương và địa phương.
“Dù được xem là lực lượng chủ công, là cánh tay nối dài trong việc hỗ trợ truyền thông chủ trương chính sách, đưa thông tin từ Đảng, Nhà nước và cơ quan bộ, ngành, địa phương đến với người dân, lắng nghe tiếng nói của người dân, từ đó tác động ngược trở lại với những người làm chính sách, nhưng báo chí chính thống vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn lớn về cơ chế, nguồn lực để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của mình”, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nhận định.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương, bộ, ban, ngành vẫn còn xem nhẹ công tác truyền thông chính sách; thiếu kế hoạch, thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin. Hệ quả là thời gian qua đã để xảy ra không ít sự cố, khủng hoảng truyền thông trên một số lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) Phạm Mạnh Hùng nêu thực trạng gần đây cho thấy, 70 - 80% quảng cáo của doanh nghiệp thuộc về các nền tảng xuyên biên giới. Thế nên, hiện nay phần lớn cơ quan báo chí dựa vào nguồn ngân sách công, từ các đơn đặt hàng của cơ quan nhà nước.
Ông Hùng cho rằng, báo chí và truyền thông phải có những hành động giúp cải thiện về mặt chính sách vĩ mô để báo chí có những điều kiện tốt hơn trong hoạt động tác nghiệp, làm sao để báo chí “sống được” và “dễ thở” hơn. Bởi mô hình báo chí của Việt Nam là đặc thù, không thể học được một số nước khác, nên cần có sự hỗ trợ nhiều hơn của các cơ quan nhà nước.
“Đồng thanh tương ứng” mới có thể truyền thông chính sách hiệu quả
Chỉ thị số 07/CT-TTg năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về “Việc tăng cường công tác truyền thông chính sách trong tình hình mới” đã khẳng định: “Truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện việc truyền thông chính sách”. Đây được coi là bước đột phá và được kỳ vọng sẽ tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động truyền thông chính sách thời gian tới.
Theo TS Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp), để công tác phối hợp này có hiệu quả, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thông tấn báo chí cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác truyền thông dự thảo chính sách pháp luật.
Đối với cơ quan chủ trì soạn thảo cần phải có kế hoạch truyền thông về dự thảo văn bản một cách cụ thể, rõ kênh báo chí thông tin hoạt động, rõ nội dung, thời điểm cũng như nguồn kinh phí thực hiện.
Quan trọng hơn, cơ quan soạn thảo cần chủ động cung cấp thông tin trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời về nội dung cần truyền thông, nhất là những vấn đề dư luận xã hội quan tâm; tiến hành biên soạn tài liệu nguồn để cung cấp cho cơ quan báo chí thực hiện truyền thông.
Về phía cơ quan báo chí, cần chủ động phối hợp nắm bắt các kế hoạch, chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của bộ, ngành, địa phương trong từng năm hoặc cả giai đoạn, để có kế hoạch truyền thông nội dung văn bản trên báo chí một cách phù hợp, không thụ động chờ cơ quan chức năng mới thực hiện.
Để làm được điều này, cơ quan thông tấn, báo chí cần cử đầu mối thường trực, chuyên sâu và phối hợp chặt chẽ với từng cơ quan, tổ chức được giao chủ trì xây dựng chính sách, pháp luật tạo nên cầu nối thông suốt hai chiều trong quá trình phối hợp giữa các bên.
Tổng biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho rằng, bên cạnh những nỗ lực của cơ quan báo chí thì công tác truyền thông chính sách cần có thêm sự chỉ đạo từ cấp độ Chính phủ.
Truyền thông chính sách không chỉ là câu chuyện mong kiếm những nguồn lực mà còn là việc hợp tác giữa cơ quan chức năng và cơ quan báo chí, tuyên truyền không chỉ một chiều mà còn phải đa chiều, phản biện để hoàn thiện chính sách.
“Thời gian tới, báo chí cần tăng cường tuyên truyền về truyền thông chính sách, cũng như tăng cường nhận thức của cơ quan chức năng về truyền thông chính sách. Giữa nhà nước, cơ quan chức năng và báo chí cần “đồng thanh tương ứng” mới có thể truyền thông chính sách hiệu quả”, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh.
C.Giang
Báo Lao động Xã hội số đặc biệt Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6