Theo báo cáo mới đây của Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) TPHCM, trong tháng 1, doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng 8.652 vị trí việc làm thông qua Cổng thông tin việc làm thành phố.
Trong số đó, ngành giáo dục chính trị, triết học không doanh nghiệp nào tuyển dụng; ngành nông, lâm và thủy sản cũng chỉ tuyển 3 lao động; ngành sư phạm, giáo dục cần tuyển 4 vị trí việc làm; ngành văn hóa, xã hội cần tuyển 5 người...
Những ngành khá "hot" như ngành luật cũng chỉ tuyển 19 lao động; ngành báo chí và thông tin tuyển 12 người; ngành hóa chất, sinh học tuyển 26 vị trí việc làm...

Trong năm 2024, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) cũng đã khảo sát 64.126 lượt doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 318.731 chỗ làm việc.
Thống kê của Falmi cũng cho kết quả tương tự. Trong tổng số 318.731 chỗ làm việc mà doanh nghiệp cần tuyển thì họ chỉ cần tuyển 32 lao động có chuyên môn ngành công nghệ sinh học, chiếm 0,01% tổng nhu cầu tuyển dụng.
Nhu cầu tuyển dụng ngành luật, pháp lý cao hơn nhưng cũng chỉ 319 người, chiếm tỷ lệ 0,1% tổng nhu cầu tuyển dụng. Ngành báo chí, biên tập viên còn thấp hơn, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp là 255 vị trí việc làm, chiếm 0,08% tổng nhu cầu tuyển dụng.
Trong khi đó, ngành đứng đầu nhu cầu tuyển dụng là kinh doanh thương mại với 72.383 chỗ làm việc, chiếm 22,71% tổng nhu cầu nhân lực. Dịch vụ bưu chính - viễn thông là ngành truyền thống, ít được quan tâm gần đây lại là ngành có quy mô tuyển dụng lớn.
Trong năm 2024, doanh nghiệp tại TPHCM cần tuyển đến 19.984 lao động ngành này, chiếm 6,27% tổng nhu cầu nhân lực. Ngành công nghệ thông tin bị xem là khó khăn trong 2 năm gần đây vẫn có nhu cầu tuyển dụng 16.192 chỗ làm việc, chiếm 5,08% tổng nhu cầu nhân lực.
Ngành bất động sản dù ít giao dịch mua bán nhưng vẫn trong top 10 ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất với 14.088 chỗ làm việc, chiếm 4,42% tổng nhu cầu nhân lực. Ngành cơ khí - tự động hóa như thường lệ vẫn là một trong những ngành trọng điểm, luôn có nhu cầu nhân lực cao trên thị trường lao động.
Trước thực trạng nhiều ngành ra trường có nguy cơ thất nghiệp, các chuyên gia về lao động khuyến cáo, khi lựa chọn ngành học, sinh viên nên tập trung vào những ngành nghề mới, có nhiều cơ hội việc làm trong tương lai.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ với sự bùng nổ của kinh tế số và chuyển đổi số, tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng, sản xuất và logistics.
Theo Báo cáo Lương và Thị trường lao động 2025 của Navigos Group - đơn vị cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam, nhu cầu nhân lực trong một số ngành đang tăng cao nhưng vẫn đối mặt tình trạng thiếu hụt lao động chất lượng cao.
Đặc biệt, các vị trí như: Khoa học dữ liệu (data scientist), nghiên cứu AI (AI researcher), kỹ sư học máy (machine learning engineer) và chuyên viên nghiên cứu dữ liệu (data researcher) đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Bên cạnh đó, ngành logistics tại Việt Nam cũng đang thiếu hụt nhân sự, đặc biệt trong các lĩnh vực hàng hải và kho bãi, trong khi công nghiệp bán dẫn đang phát triển mạnh nhờ chính sách thu hút đầu tư và đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đáng chú ý, Việt Nam đang có cơ hội trở thành trung tâm nhân sự chip bán dẫn khi các tập đoàn công nghệ lớn như Nvidia gia tăng sự hiện diện tại đây.
Để tận dụng tối đa những cơ hội này, theo khuyến cáo của Navigos Group, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, Chính phủ và các cơ sở đào tạo nhằm đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường.
Việc nâng cao chất lượng đào tạo, đầu tư vào kỹ năng chuyên môn và công nghệ sẽ là chìa khóa để Việt Nam khẳng định vị thế trong giai đoạn phát triển mới.
Phân tích về thực trạng thị trường lao động hiện nay, dữ liệu từ Báo cáo của Navigos Group cũng cho thấy, trong năm 2025, mặc dù có xu hướng tăng tuyển dụng, phần lớn doanh nghiệp vẫn thận trọng, với chỉ 37,36% có kế hoạch tuyển thêm dưới 10% nhân sự và 29,81% dự kiến tăng từ 10% đến dưới 20%.
Điều này cho thấy sự thận trọng trong tối ưu hóa nguồn lực. Cụ thể, các doanh nghiệp tiếp tục ưu tiên tuyển dụng nhân sự có kinh nghiệm từ 1 - 3 năm (55,47%) và từ 3 - 5 năm (27,36%).
Các vị trí được tuyển nhiều nhất thuộc lĩnh vực kinh doanh/bán hàng (59,43%), sản xuất (33,02%) và dịch vụ khách hàng (24,34%). Về kỹ năng, doanh nghiệp đánh giá cao khả năng giải quyết vấn đề (73,06%) và giao tiếp hiệu quả (63%), cùng với các kỹ năng ngoại ngữ, tư duy phân tích và thích ứng linh hoạt.
Hà Phương
Báo Lao động và Xã hội số 24