Dự án được triển khai thực hiện từ nay đến tháng 12/2026.
Mục tiêu của dự án này nhằm nâng cao năng lực trong lãnh đạo và quản lý tổ chức, thông qua việc tăng cường và duy trì bền vững, cùng với sự phát triển tổ chức một cách toàn diện, tập trung vào những điểm nhấn, như: truyền thông, tính minh bạch, kế hoạch chiến lược và tính bền vững.
Dự án cũng hướng đến nâng cao năng lực vận động chính sách của các tổ chức, hiểu biết của hội viên về luật pháp chính sách và Công ước của Liên hiệp quốc về quyền của người khuyết tật, nâng cao điều kiện sống của người khuyết tật.
Cùng với đó là các hoạt động đáp ứng nhu cầu và các dịch vụ xã hội cho hội viên được thực hiện tạo sự liên kết giữa tổ chức và hội viên...
Dự án mong muốn đạt được kết quả là nâng cao năng lực cho lãnh đạo và nhân viên trong việc lập kế hoạch, quản lý tổ chức và quản lý dự án, công tác truyền thông (cả nội bộ và bên ngoài).
Bên cạnh đó, hội viên cũng sẽ được cập nhật về các chính sách và luật pháp liên quan đến người khuyết tật, qua đó làm nền tảng cho đối thoại chính sách và tư vấn pháp lý.
Tiếng nói chung của người khuyết tật cũng sẽ góp phần vào việc xây dựng, sửa đổi luật pháp, chính sách về người khuyết tật và các sự kiện chính trị khác.
Dự án còn hướng đến tăng cường sự tham gia của hội viên thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao, các sáng kiến tiếp cận và các dịch vụ xã hội khác, có chú trọng thích đáng đến các nhóm người khuyết tật nặng, thanh niên, phụ nữ và người điếc…
UBND TP Đà Nẵng giao Hội Người khuyết tật thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành thủ tục tiếp nhận và triển khai dự án đúng mục đích; thực hiện đúng các quy định của Chính phủ về việc quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam.
Theo Hội Người khuyết tật TP Đà Nẵng, trên địa bàn thành phố hiện có trên 15.000 người khuyết tật. Phần lớn người khuyết tật sống trong các gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; số người khuyết tật còn trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ khoảng 60% (trong đó 40% còn khả năng lao động).
Thời gian qua, TP Đà Nẵng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm trợ giúp người khuyết tật; hệ thống chính sách về trợ cấp xã hội thường xuyên, trợ cấp đột xuất, trợ cấp Tết dành cho người khuyết tật tại thành phố thường xuyên được điều chỉnh, với mức chuẩn luôn cao hơn và mở rộng đối tượng hỗ trợ hơn so với mức Trung ương.
Người khuyết tật đặc biệt nặng không nơi nương tựa được thành phố xem xét đưa vào nuôi dưỡng chăm sóc tại các trung tâm bảo trợ xã hội.
Thành phố cũng hỗ trợ học nghề miễn phí cho người khuyết tật với hình thức kèm nghề đặc thù thông qua các Hội, các địa phương triển khai sàn giao dịch việc làm định kỳ, lồng ghép có trợ giúp người khuyết tật nhằm tạo thuận lợi để người khuyết tật tiếp cận học nghề, tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống, hoà nhập cộng đồng…