Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Những chính sách và sự kiện nổi bật liên quan đến trẻ em trong năm 2024

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Năm 2024 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em của Việt Nam...

Tăng cường công tác bảo vệ trẻ em

“Cần hành động mạnh mẽ, triệt để, hiệu quả hơn để bảo vệ trẻ em” là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Những chính sách và sự kiện nổi bật liên quan đến trẻ em trong năm 2024 - 1
Trẻ em Việt Nam ngày càng được quan tâm, tạo điều kiện để phát triển toàn diện. Ảnh: TL

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội cần quán triệt, nhận thức đúng đắn về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; cần tạo chuyển biến thực sự đối với những vấn đề, tồn tại trong công tác trẻ em như: Xâm hại, bạo lực học đường, tai nạn thương tích, an toàn trên không gian mạng, sử dụng chất kích thích...

Phó Thủ tướng cũng ký ban hành Chỉ thị 02/CT-TTg ngày 26/1/2024 về tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên. 

Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký Quyết định số 1183/QĐ-TTg ngày 14/10/2024 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về Tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Kế hoạch đưa ra 4 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và hành động về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em;

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tạo sự đồng bộ trong thực hiện chính sách, pháp luật về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Có thể nói, những chỉ đạo này nhấn mạnh nỗ lực cải thiện môi trường sống an toàn cho trẻ em. Bên cạnh đó, các chương trình hành động quốc gia được triển khai đồng bộ là tín hiệu tích cực, giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em trên diện rộng.

Thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên

Những chính sách và sự kiện nổi bật liên quan đến trẻ em trong năm 2024 - 2
Tuyên truyền cho học sinh các quy định khi tham gia giao thông  Ảnh: Trần Huy

Một trong những điểm nhấn nổi bật trong năm 2024 là việc Quốc hội chính thức thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên. Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, với tỉ lệ tán thành cao, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên gồm 10 chương và 179 điều.

Luật sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2026. Luật Tư pháp người chưa thành niên thể hiện tính nhân đạo, nhân văn khi đặt trọng tâm vào bảo vệ và giáo dục trẻ em thay vì chỉ tập trung vào trừng phạt. 

Quốc hội thống nhất cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025.

Quyết định này được xây dựng dựa trên những nghiên cứu chỉ ra tác hại nghiêm trọng của thuốc lá điện tử đối với sức khỏe và sự gia tăng nhanh chóng của việc sử dụng loại sản phẩm này trong giới trẻ.

Việc cấm thuốc lá điện tử không chỉ góp phần giảm nguy cơ các bệnh lý liên quan đến phổi và tim mạch mà còn ngăn chặn tình trạng nghiện chất và các hệ lụy tiêu cực khác trong xã hội.

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Bảo vệ tốt hơn cho trẻ em khi tham gia giao thông

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 27/6/2024 tại Kỳ họp thứ 7, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.

So với Luật Giao thông đường bộ 2008, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có nhiều điểm mới, trong đó có một số điểm đáng chú ý liên quan đến trẻ em, học sinh: Điều 10 quy định khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên ô tô, trẻ không được ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ xe chỉ có một hàng ghế.

Người lái xe phải sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em. Điều 46 yêu cầu xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em phải đáp ứng điều kiện kỹ thuật, có thiết bị ghi hình, cảnh báo chống bỏ quên trẻ em, và đảm bảo các tiêu chuẩn về niên hạn sử dụng và màu sơn.

Xe phải có dây đai an toàn hoặc ghế phù hợp với lứa tuổi. Khi đưa đón trẻ, cần có người quản lý trên xe để giám sát, và xe từ 29 chỗ trở lên cần ít nhất 2 người quản lý. Người lái xe phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm. Các cơ sở giáo dục phải xây dựng quy trình an toàn và hướng dẫn thực hiện. Xe đưa đón trẻ em được ưu tiên trong phân luồng giao thông.

Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II

Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II là một sáng kiến quan trọng, giúp trẻ em Việt Nam có cơ hội tham gia thảo luận các vấn đề liên quan đến chính các em.

Với sự tham gia của 306 đại biểu là thiếu nhi tiêu biểu đến từ 63 tỉnh, thành phố, sự kiện này tập trung vào hai chủ đề chính là: Phòng, chống bạo lực học đường và phòng, chống tác hại của thuốc lá và chất kích thích.

Sự kiện này không chỉ khuyến khích trẻ em mạnh dạn bày tỏ ý kiến mà còn giúp các nhà hoạch định chính sách hiểu rõ hơn về những thách thức mà trẻ em đang đối mặt.

Qua đó, các giải pháp được đưa ra sẽ sát thực tế và hiệu quả hơn. Đây cũng là cơ hội để trẻ em rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, tranh luận và xây dựng chính sách.

Những chính sách và pháp luật liên quan đến trẻ em trong năm 2024 đã có những bước tiến quan trọng. Các vấn đề như bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại tình dục, cải thiện sức khỏe, giáo dục và phát triển toàn diện cho trẻ em được chú trọng hơn bao giờ hết.

Những nỗ lực đồng bộ và toàn diện này khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo vệ tốt nhất cho thế hệ tương lai.

Xuân Quang 

Ấn phẩm Vì trẻ em số 24