Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Đất khó không phụ công người

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Không cam chịu cảnh đói nghèo, nhiều thanh niên đã mạnh dạn khởi nghiệp, biến những khó khăn của địa phương thành lợi thế để phát triển kinh tế. Nhờ đó, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh ra đời không những giúp phát triển kinh tế gia đình mà còn giúp dân bản địa thoát nghèo.

Khai thác thế mạnh bản địa giúp người dân thoát nghèo

Là xã đặc biệt khó khăn, nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên nhưng xã Nà Hẩu (huyện Văn Yên, Yên Bái) có quần thể thác nước, hang động độc đáo, cùng nét đặc sắc trong văn hóa đồng bào dân tộc Mông, là tiềm năng để phát triển du lịch.

IMG_2405.jpg
Anh Hoàng Thanh Minh (áo trắng) giới thiệu giống nho sữa mang lại hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: Quách Tuấn)

Năm 2016, anh Đặng Văn Chính (dân tộc Dao) cùng nhóm bạn thiện nguyện ở Hà Nội và thanh niên địa phương bàn hướng khởi nghiệp. Anh Chính tham gia cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên” do Huyện đoàn Văn Yên tổ chức, dự án khởi nghiệp của nhóm anh đã đoạt giải Nhì. 

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu được thành lập. Để HTX đi xa hơn, anh Chính đã kết nối với nhà nông, nhà khoa học, Nhà nước, doanh nghiệp và anh giữ vai trò định hướng, kết nối, tạo ra chuỗi giá trị.

Năm 2019, HTX triển khai mô hình nuôi cá tầm thương phẩm, đến nay cho kết quả rất khả quan và được nhân rộng ra toàn xã. Hiện Nà Hẩu có 24 bể bạt nổi HPDE, 1 ao lót bạt và 4 bể xi măng, mỗi năm cho doanh thu gần 2 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 5 lao động, trong đó 3 lao động là phụ nữ người Mông.

Tận dụng tiềm năng thế mạnh của địa phương, HTX cùng bà con tu sửa lại nhà sàn làm homestay đón khách du lịch. Đến nay, Nà Hẩu đã có 9 nhà sàn, bước đầu tạo được công ăn việc làm và thu nhập cho bà con. Nhờ đó, người dân có ý thức hơn trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như nghề rèn truyền thống, thêu dệt thổ cẩm, các điệu dân ca, dân vũ… phục vụ du lịch.

Tương tự, anh Ngô Quang Hà (SN 1992, thôn Bản Lùng, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, Yên Bái), sau những tháng ngày đi làm thuê trở về địa phương phát triển kinh tế.

Tận dụng điều kiện tự nhiên ở địa phương, anh Hà phát triển mô hình kinh tế xanh vườn - ao - chuồng với quy mô 4ha, trong đó 3ha rừng trồng quế, gần 1 sào trồng rau xanh, khu vực chăn nuôi lợn đen, bò sinh sản, gà, vịt, chuyển đổi 6 sào ruộng lúa năng suất thấp sang nuôi ốc.

Mô hình du lịch sinh thái homestay vừa giúp tiêu thụ sản phẩm, vừa tăng thêm nhu nhập; đồng thời quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống, tiềm năng của Bản Lùng thu hút du khách trong và ngoài nước.

Anh Giàng A Bê (xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên) với mong muốn lưu giữ giống gà đen của người Mông đã thực hiện dự án "Sáng kiến gà đen Trại Trế".

Anh được hỗ trợ ngay từ vòng đầu tiên và là một trong 130 thanh niên được dự án "EU/Sự tham gia: Nâng cao năng lực cho các đoàn thể, tổ chức xã hội và thanh niên dân tộc thiểu số tham gia tích cực vào việc khởi nghiệp, ra quyết định kinh tế - xã hội tại Yên Bái, Việt Nam" hỗ trợ trong quá trình khởi nghiệp.

120 gà con đã được ấp nở thành công từ đàn gà giống ban đầu và anh thu về 20 triệu đồng. Đây là tín hiệu tích cực trong việc nuôi giống gà đen bản địa của người Mông, tạo sự lan tỏa cho thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số tự tin khởi nghiệp.

Người tiên phong trồng nho trên đất Thanh Hóa

Cùng tốt nghiệp Khoa Nông - Lâm - Ngư nghiệp, Trường Đại học Hồng Đức với mong ước làm giàu trên đất quê, anh Hoàng Thanh Minh (SN 1987) và vợ là Dương Thị Bàng (SN 1989) ở xã Đồng Lợi, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) từng bước thành công với mô hình trồng nho kết hợp cho khách tham quan, trải nghiệm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

na hau2.jpg
Mô hình nuôi cá tầm thương phẩm ở xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên (Yên Bái) giúp người dân nâng cao thu nhập. (Ảnh: Quách Tuấn).

Nhớ lại buổi đầu khởi nghiệp, chàng kỹ sư nông nghiệp cho biết, do không xin được việc làm nên vợ ở nhà làm nông nghiệp, còn anh làm thuê cho một công ty quy hoạch ở TP Thanh Hóa, rồi làm công nhân công trường Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Năm 2017, anh được nhận vào làm việc tại UBND xã Đồng Lợi.

Với khát vọng và đam mê nông nghiệp, anh Minh bàn với vợ xây dựng mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp khác với canh tác truyền thống. Qua tìm hiểu thông tin thấy một số nơi ở miền Bắc trồng thành công cây nho, anh chị mày mò tìm hiểu kỹ thuật để áp dụng thực hiện.

“Tại địa phương, nhiều hộ tuy không mặn mà với sản xuất nông nghiệp nhưng không muốn chuyển đổi, sang nhượng đất. Năm 2017, tôi phải đến từng nhà trong thôn vận động cho thuê lại, thậm chí mua lại quyền sử dụng. Đến năm 2019, tôi mới dồn đổi thành khu sản xuất tập trung gần 4.000m2”, anh Minh chia sẻ. 

Những ngày đầu làm trang trại, vợ chồng anh trồng hoa, ổi, cây nông nghiệp nhằm “lấy ngắn nuôi dài”, dần hoàn thiện hạ tầng trồng nho. Năm 2021, anh mới có đủ vốn xây dựng khu trồng nho với giàn bằng sắt, hệ thống tưới nhỏ giọt thông minh. 

“Thời điểm vợ chồng tôi chuyển sang mô hình trồng nho, ai cũng ngăn bởi khí hậu miền Bắc khắc nghiệt, lúc nắng gắt, lúc mưa dầm, khi thì sương giá, không phù hợp cho cây nho phát triển.

Bằng kiến thức đã học và qua tìm hiểu một số mô hình trồng nho thành công ở miền Bắc, chúng tôi quyết định vay tiền ngân hàng đầu tư trồng 300 gốc nho; đồng thời, liên kết với Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang chuyển giao kỹ thuật trồng…”, anh Minh kể.

“Thời gian đầu, cây tuy không chết nhưng phát triển rất chậm. Thậm chí, mùa đông, cây còn trơ thân khiến mọi người nghĩ rằng tôi thất bại. Cây nho vốn không ưa ngập úng nhưng vẫn cần độ ẩm để sinh trưởng và phát triển.     

Trung bình 2 ngày chúng tôi cung cấp khoảng 2 lít nước/gốc nho kết hợp dinh dưỡng 2 lần/tuần. Cách làm này giúp cây hấp thụ tối đa mà không bị dư thừa lãng phí…”, anh Minh  cho biết.

Đất không phụ công người, năm 2021, vườn nho bắt đầu cho ra bói với sản lượng thu hoạch được gần 1 tấn. Sau khi trừ chi phí, vợ chồng anh lãi trên 100 triệu đồng.

Với sự nỗ lực quyết tâm, vợ chồng anh Minh là 1 trong 3 hộ đầu tiên đưa giống nho trồng thành công trên đất Thanh Hóa. Năm 2022-2023, mỗi năm vườn nho cho thu lời gần 400 triệu đồng, ngoài ra còn tạo việc làm ổn định cho 4 lao động địa phương và gần 20 lao động thời vụ.

“Với cây nho, càng những năm về sau, chất lượng quả càng tốt vì cây đã trưởng thành. Năm nay, chúng tôi chuẩn bị thu hoạch với khoảng 4 tấn quả. Do canh tác theo quy trình hữu cơ và sản xuất an toàn nên nho được thương lái trong và ngoài tỉnh đặt hàng.

Mức giá tại vườn vụ này dự kiến từ 300.000 - 350.000 đồng/kg nho sữa Hàn Quốc và 150.000 đồng/kg nho đen. Nếu điều kiện thuận lợi, 2 vụ nho sẽ cho thu lời khoảng 900 triệu đồng. Tới đây, chúng tôi tiếp tục mở rộng thêm 6.000m2 đất để trồng nho…”, anh Minh phấn khởi khoe.

Ngoài diện tích trồng nho, vợ chồng anh Minh còn trồng một số loại hoa móng rồng, hướng dương, túy điệp... phục vụ khách tham quan, trải nghiệm. Theo anh Minh, hoạt động đón khách chỉ là phụ nhưng 2 năm gần đây cũng cho thu nhập 50 - 70 triệu đồng/năm từ các dịch vụ liên quan. 

Từ cuối năm 2022, rất nhiều trường mầm non, tiểu học khu vực lân cận và trên địa bàn TP Thanh Hóa cho học sinh đến trải nghiệm tại vườn nho. Thời điểm nho bắt đầu chín, trung bình mỗi ngày vườn nho đón vài trăm khách, cao điểm lên tới cả nghìn khách.

“Các cháu đến tham quan vườn sẽ được nghe giới thiệu về quy trình trồng và thu hoạch nho. Chùm nho trông như thế nào thì được thu hoạch... Đặc biệt, các con được tận tay cắt những chùm nho chín mọng và thưởng thức ngay tại vườn nên vô cùng hứng thú…”, anh Minh hào hứng kể.

Ông Lê Đình Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Lợi cho biết: “Hoàng Thanh Minh là cán bộ trẻ, năng động, đam mê nông nghiệp. Mô hình trồng nho của gia đình anh là điển hình trong phát triển nông nghiệp của địa phương, được chọn làm vườn trại kiểu mẫu trong xây dựng nông thôn mới nhằm lan tỏa và nhân rộng…”.

Đức Thọ - Quách Tuấn

Báo Lao động Xã hội số 71

Tin liên quan
Tuổi già nhưng chí không già

Tuổi già nhưng chí không già

(LĐHX) - Phát huy vai trò “Tuổi cao - gương sáng”, “Tuổi già nhưng chí không già”, nhiều người cao tuổi (NCT) tích cực lao động sản xuất, kinh doanh,...