Xấp xỉ tuổi 70, ông Lê Văn Ngà (xã Tự Lập, huyện Mê Linh, Hà Nội) vẫn là tấm gương NCT gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, làm kinh tế giỏi. Với tư duy nhạy bén, năm 2016, ông mạnh dạn xin chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang hoa ly.
Cùng với diện tích canh tác của gia đình, ông thuê thêm diện tích của các nhà xung quanh mở rộng diện tích trồng hoa ly lên 13ha.

Nhằm tăng năng suất, sản lượng cây trồng, ông đầu tư mua sắm trang thiết bị sản xuất, máy làm đất, phân bón, kho lạnh bảo quản và nhân giống hoa... Sau nhiều nỗ lực, mô hình của ông đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, lãi thu về 2 - 3 tỷ đồng, tạo việc làm cho 15 - 20 lao động tại địa phương với mức lương 6 - 10 triệu đồng/tháng.
Ngoài 80 tuổi, ông Trần Văn Thừa (TP Phổ Yên, Thái Nguyên) vẫn miệt mài lao động, phát triển kinh tế gia đình. Gắn bó với những thùng ong đến nay đã hơn 40 năm, ông Thừa vừa nuôi vừa đem sản phẩm mật ong của gia đình đi giới thiệu trong và ngoài xã. Dần dần, sản phẩm được nhiều người biết đến, mật ong làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy.
Từ 10 thùng ong ban đầu, ông Thừa đã nhân giống, tách đàn. Hơn chục năm nay, gia đình ông Thừa luôn duy trì 50 - 60 thùng ong, mỗi năm xuất bán ra thị trường trên 160 lít mật và 20 - 30 thùng ong giống, thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Bảy (70 tuổi, ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, Bến Tre) có khoảng 5ha vườn với đủ loại cây ăn trái, trong đó có 500 cây bưởi da xanh... Trung bình mỗi năm, khu vườn cho thu hoạch hơn 10 tấn bưởi, 1 tấn chanh, 5 tấn cam quýt và hàng chục nghìn trái dừa cùng nguồn thu từ nuôi cá dưới mương, ao… đem lại doanh thu vài tỷ đồng mỗi năm.
Do có nhiều kinh nghiệm trong làm vườn, ông Bảy được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Hợp tác xã Bưởi da xanh huyện Giồng Trôm. Ngoài sản xuất kinh doanh bưởi da xanh, ông còn mở rộng kinh doanh các mặt hàng khác tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động.
Ông Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội NCT Việt Nam cho biết, Việt Nam có khoảng 7 triệu NCT đang sản xuất kinh doanh, trong đó hơn 455.000 NCT làm kinh tế giỏi, 321.000 NCT làm chủ trang trại, chủ doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh.
Theo TS Đinh Hữu Phí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu NCT Việt Nam, quá trình già hóa dân số nhanh đặt ra những vấn đề cấp bách về kinh tế - xã hội, đặc biệt là xây dựng những cơ chế chính sách và hành lang pháp lý về bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò, khả năng và nguồn lực của NCT.
Một trong những nội dung quan trọng là cần có những quy định pháp luật về hỗ trợ, tạo việc làm cho NCT, vừa bảo đảm quyền làm việc, vừa sử dụng kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn, huy động, sử dụng nguồn lực vô giá của NCT trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, để hỗ trợ NCT trong việc đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2156 ngày 21/12/2021 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về NCT giai đoạn 2021 - 2030 với những mục tiêu cụ thể:
Giai đoạn 2022 - 2025, ít nhất 50% NCT có nhu cầu và khả năng lao động có việc làm, ít nhất 20.000 NCT được hỗ trợ khởi nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp. Giai đoạn 2026 - 2030, ít nhất 70% NCT có nhu cầu, khả năng lao động có việc làm, ít nhất 30.000 NCT được hỗ trợ khởi nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp.
“Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất bổ sung quy định chính sách hỗ trợ chuyển tiếp việc làm và hỗ trợ việc làm cho NCT, gồm: Hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động lớn tuổi; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp cho lao động cao tuổi; các chính sách ưu tiên khi sử dụng lao động cao tuổi (vay vốn, tham gia chính sách việc làm…)”, ông Toản nói.
Cù Hòa
Báo Lao động và Xã hội số 5