Trên khu vực Tây Nguyên tỉnh Kon Tum cần sự ưu đãi, vì đời sống vật chất của nhiều hộ dân nơi đây còn gặp khó khăn so với cả nước, đặc biệt là bà con vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Vì thế, công tác giảm nghèo ở đây rất cần được quan tâm, thực tế công tác này đã và đang được các cấp, các ngành của tỉnh này quan tâm triển khai thực hiện quyết liệt với nhiều hình thức, nhiều chương trình, mục tiêu.
Như Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, huyện Ia H’Drai phê duyệt 7 dự án nuôi bò sinh sản, chăn nuôi hươu lấy nhung, nuôi heo thịt; huyện Đăk Glei đang thực hiện thẩm định hồ sơ đối với 13 mô hình của các xã, thị trấn đề xuất; huyện Ngọc Hồi triển khai thực hiện 8 dự án về hỗ trợ bò cái sinh sản, trồng sả Java.
Dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các huyện nghèo đã thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 347 hộ (xây dựng mới nhà ở 254 hộ, sửa chữa nhà ở 93 hộ).
Trong đó huyện Kon Plông thực hiện hỗ trợ 79 hộ (nhà xây mới 68 hộ, sửa chữa nhà 11 hộ), huyện Ia H’Drai thực hiện hỗ trợ 112 hộ (nhà xây mới 37 hộ, sửa chữa nhà 75 hộ), huyện Tu Mơ Rông thực hiện hỗ trợ 156 hộ (nhà xây mới 149 hộ, sửa chữa nhà 7 hộ).
Ngoài ra, các địa phương còn thực hiện cấp 60.321 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ tiền điện cho 21.988 hộ nghèo, hộ chính sách xã hội (15.943 hộ nghèo, 6.045 hộ chính sách xã hội) với tổng kinh phí 7.256 triệu đồng.
Để tạo sinh kế cho hộ nghèo nói chung và hộ nghèo dân tộc thiểu số nói riêng, căn cứ các quyết định của Trung ương, tỉnh Kon Tum đã triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025).
Trong đó, có các dự án, tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo. Các chương trình nêu trên có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất của đời sống nhân dân, được cấp ủy, chính quyền, người dân trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm.
Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Kon Tum phân bổ, giao gần 2.900 tỷ đồng kế hoạch đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các sở, ngành và địa phương thực hiện, bằng 100% kế hoạch vốn Trung ương giao; ngân sách địa phương đối ứng hơn 688 tỷ đồng.
Tám tháng đầu năm 2023, đã giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương năm 2022 kéo dài khoảng 180 tỷ đồng, đạt 49,7% kế hoạch; giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương năm 2023 khoảng 250 tỷ đồng, đạt 37% kế hoạch.
Tỉnh phấn đấu hết năm nay, giải ngân 100% vốn kế hoạch năm 2022 và tối thiểu 90% vốn kế hoạch năm 2023 được giao.
Trong năm 2023 đánh dấu nỗ lực lớn của các cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Nơi đây có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất khu vực Tây Nguyên, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, trong hai năm 2022, 2023, tỉnh liên tiếp có số lượng hộ thoát nghèo trên 6.000 hộ, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 10.220 hộ nghèo, chủ yếu là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Đây cũng là cơ sở để Kon Tum thực hiện các chính sách an sinh xã hội, kinh tế - xã hội trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Ông A Kang- Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Việc triển khai thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo tại các địa phương đã tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, một số dự án đầu tư quan trọng đang triển khai trên địa bàn các huyện nghèo đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững. |
Lê Nhuận