Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Hỗ trợ sinh kế theo nhóm cộng đồng giúp giảm nghèo bền vững

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Hỗ trợ sinh kế phù hợp theo nhóm cộng đồng, từ đó tiếp thêm động lực để người dân vươn lên thoát nghèo.

Đây là cách làm độc đáo, phù hợp với điều kiện cũng như nhu cầu của người dân đã giúp huyện Mang Yang (Gia Lai) đạt nhiều hiệu quả trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2023 đến nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mang Yang đã triển khai xây dựng các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng giúp hộ nghèo, cận nghèo hình thành các nhóm hộ chăn nuôi, trồng trọt theo nhu cầu để từng bước vươn lên thoát nghèo.

Hỗ trợ sinh kế theo nhóm cộng đồng giúp giảm nghèo bền vững - 1
Được sự hướng dẫn của trưởng nhóm và cán bộ thú y xã, bò của gia đình chị Thuen sinh trưởng và phát triển tốt.

Từ nguồn kinh phí hơn 1,9 tỷ đồng của Tiểu dự án 1 - Dự án 3, Trung tâm phối hợp với các xã triển khai 7 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhóm cộng đồng, trong đó có 2 nhóm chăn nuôi bò và 5 nhóm trồng trọt tại các xã: Đăk Yă, Hra, Kon Thụp, Đak Ta Ley và Đăk Trôi. Riêng tại làng Đăk Yă (xã Đăk Yă), Trung tâm hỗ trợ 13 con bò sinh sản cho 13 hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo.

Anh Hlưng, Trưởng nhóm nuôi bò sinh sản làng Đăk Yă cho biết, làng có 25 hộ nghèo, 98 hộ cận nghèo. Gia đình anh Hlưng thuộc diện cận nghèo, nguồn thu nhập chủ yếu trông chờ vào gần 800 cây cà phê của cha mẹ cho. Vừa rồi, gia đình anh được hỗ trợ 1 con bò sinh sản.

Anh Hlưng được bà con tin tưởng bầu chọn làm trưởng nhóm, có nhiệm vụ theo dõi, hướng dẫn 12 hộ nghèo, cận nghèo cách thức chăn nuôi bò. “Hàng tuần, tôi đến từng hộ kiểm tra, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, cách phòng bệnh cho vật nuôi. Nhờ đó, đến nay đàn bò sinh trưởng và phát triển tốt”, anh Hlưng cho hay.

Chị Thuen cùng làng với Hlưng cũng là một trong những hộ được hỗ trợ bò sinh sản. Chị Thuen cho hay, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo. Cuộc sống chủ yếu dựa vào 2 sào lúa nước và tiền công làm thuê hàng ngày. Gia đình có 5 người nên gặp rất nhiều khó khăn.

“Vừa rồi, tôi được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò sinh sản và tham gia nhóm cộng đồng chăn nuôi bò. Gia đình tôi vay tiền ngân hàng mua thêm một con bò cái. Hai vợ chồng chia nhau cắt cỏ về chăm sóc bò dưới sự hướng dẫn của trưởng nhóm và cán bộ thú y xã. Tôi mong bò phát triển tốt, giúp gia đình có nguồn sinh kế để phát triển kinh tế trong những năm tới”, chị Thuen chia sẻ.

Từ năm 2023 đến nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mang Yang phối hợp với các phòng, ban và các xã, thị trấn đa dạng hình thức hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất theo từng nhóm cộng đồng, từ chăn nuôi đến trồng trọt.

Bên cạnh đó, Trung tâm mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đàn vật nuôi của các nhóm hộ tham gia dự án và người dân trong xã. Ngoài ra, các nhóm cộng đồng được hỗ trợ thuốc thú y phòng bệnh, giống cây trồng, phân bón.

Ông Trương Quang Viện, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết, Trung tâm đã xây dựng các dự án hỗ trợ theo nhóm cộng đồng về chăn nuôi, trồng trọt.

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, đơn vị tổ chức đấu thầu rộng rãi và chọn những nhà thầu có năng lực, giá phù hợp với thực tế thị trường. Sau khi cung cấp đủ theo số lượng các dự án đã xây dựng, còn dư vốn, Trung tâm tiếp tục triển khai dự án mới hỗ trợ thêm số hộ nghèo, cận nghèo ở các xã được thụ hưởng.

Đây là cách làm giúp các hộ có thêm nguồn lực hỗ trợ để vươn lên phát triển kinh tế. “Các nhóm hộ tham gia dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi, trồng trọt đều được tập huấn kỹ thuật và giải quyết những vấn đề phát sinh. Vì vậy, bà con rất tin tưởng, yên tâm lao động sản xuất.

Bò và các loại cây trồng được hỗ trợ như lúa nước vụ mùa, mắc ca trồng xen vườn cà phê, chanh dây đều thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng nên phát triển tốt.

Thời gian tới, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm tiếp tục phối hợp các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn các nhóm hộ cộng đồng chăm sóc vật nuôi, cây trồng để phát triển kinh tế bền vững”, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện nhấn mạnh.

Chương trình hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo, cận nghèo theo từng nhóm cộng đồng được huyện Mang Yang thực hiện từ năm 2023 đến nay và đang cho thấy địa phương đã tìm được con đường thích hợp trong chiến lược giảm nghèo.

Cuối năm 2023, tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện là 2.311 hộ, chiếm tỷ lệ 13,01%. Năm 2024, với sự tích cực, chủ động của chính quyền và người dân, huyện dự kiến tiếp tục về đích thành công, đem lại hơi thở mới cho quê hương.

Đức Thọ

Báo Lao động và Xã hội số 121

Tin liên quan