Căn cứ Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020; Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với các nội dung chủ yếu: hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực, giám sát đánh giá thực hiện chương trình.
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình: 48.397 tỷ đồng nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin), góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết Quốc hội đề ra.
Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 3,75%, bình quân trong 4 năm giảm 1,53%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả nước từ 1-1,5%/năm. Trong 4 năm đã có 1.353.805 hộ/tổng số 2.338.569 hộ nghèo (số liệu cuối năm 2015) đã thoát nghèo (chiếm 58%). Ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 2,75%. Như vậy sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn 27,85%, bình quân trong 4 năm giảm 5,65%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao giảm bình quân 4%/năm; ước cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo bình quân các huyện nghèo còn khoảng 24%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân 4%/năm (kế hoạch giảm từ 3-4%/năm).
Thu nhập bình quân hộ nghèo đến cuối năm 2018 tăng khoảng 1,4 lần so với cuối năm 2015, dự kiến đến cuối năm 2020 thu nhập hộ nghèo tăng 1,6 lần, vượt chỉ tiêu đề ra là 1,5 lần.
Đến cuối năm 2019, đã có 8/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng ĐBKK đạt 12,5% và 14/30 huyện nghèo (theo Quyết định số 615/QĐ-TTg và Quyết định số 293/QD-TTg) hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn. Dự kiến đến cuối năm 2020 khoảng 32 huyện thoát khỏi huyện nghèo, đạt chỉ tiêu đề ra (đến cuối năm 2020 có 50% số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng ĐBKK theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP trong giai đoạn 2016-2020).
Đến 30/9/2020 đã có 103/292 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn (99 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 02 xã công nhận lên phường, 02 xã sáp nhập đơn vị hành chính), đạt tỷ lệ 35,3% (vượt 5,3%, chỉ tiêu đề ra đến cuối năm 2020 có 30% số xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng ĐBKK).
Dự kiến kết thúc năm 2020 có khoảng 550 xã (hiện tại có 121 xã hoàn thành mục tiêu), 1.286 thôn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 (xã ước tính hoàn thành Chương trình 135 chiếm tỉ lệ 25,7% trên tổng số 2.139 xã thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 quy định tại Quyết định số 900/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ; thôn, bản ước tính hoàn thành Chương trình 135 chiếm tỷ lệ 32,3% trên tổng số 3.973 thôn, bản thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 quy định tại Quyết định số 414/QĐ-UBDT ngày 11 tháng 7 năm 2018 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc).
Số lượng các xã, thôn dự kiến hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 như trên sẽ cao hơn giai đoạn 2011-2015 và phù hợp với mục tiêu đã đề ra của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 (20-30% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn).
Các chính sách, dự án thuộc Chương trình đã được các cấp, các ngành quan tâm tổ chức triển khai tốt, tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực của đời sống người nghèo, giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
Phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau" được các tỉnh, thành phố hưởng ứng và triển khai thi đua quyết liệt, phấn đấu giảm nghèo nhanh, bền vững với nhiều chính sách đặc thù của địa phương; Công tác truyền thông, thông tin về giảm nghèo được quan tâm, tổ chức dưới nhiều hình thức phong phú, hiệu quả, cao điểm là cuộc thi các tác phẩm báo chí về giảm nghèo được tổ chức và trao giải hàng năm, tạo điều kiện cho các nhà báo đồng hành cùng Chương trình, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.