Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Hòa Bình: Hộ nghèo vay vốn chính sách để phát triển kinh tế

Những năm qua, nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội là kênh quan trọng để giúp hàng nghìn hộ dân ở tỉnh Hòa Bình thoát nghèo.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách trong phát triển kinh tế, giúp nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo.

Hòa Bình: Hộ nghèo vay vốn chính sách để phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Từ nguồn vốn Ngân hàng chính sách xã hội, gia đình chị Nguyễn Thị Thư đầu tư nuôi bò.

Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Hòa Bình, bà Trương Thị Hằng Nga cho biết: Để kịp thời đưa đồng vốn đến với các đối tượng thụ hưởng, trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn tập trung chỉ đạo, tích cực triển khai thực hiện công tác đối chiếu, bàn giao, nhận bàn giao toàn bộ nội dung liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách. Bên cạnh đó, củng cố điểm giao dịch xã các địa bàn được sáp nhập.

Thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, duy trì các phiên giao dịch xã, thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn.

Đến nay, toàn chi nhánh có 151 điểm giao dịch nằm trong khuôn viên trụ sở UBND cấp xã, giảm 59 điểm giao dịch so với năm 2019 (do sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã). Trong 6 tháng đầu năm, toàn chi nhánh đã tổ chức trên 970 phiên giao dịch, phục vụ trên 30 nghìn lượt khách hàng. Ngoài ra, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, chi nhánh đã gia hạn nợ hơn 1,3 tỷ đồng cho 37 khách hàng, kịp thời bổ sung nguồn vốn, tạo điều kiện cho người vay tiếp tục đầu tư để khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Với những cố gắng, nỗ lực, trong 6 tháng đầu năm 2020, các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng đều hoàn thành cao hơn so với cùng kỳ năm 2019, vượt mục tiêu Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đề ra trong quý II năm 2020; tỷ lệ nợ quá hạn duy trì mức 0,12% so với tổng dư nợ, chất lượng tín dụng tiếp tục được nâng lên. Doanh số cho vay đạt gần 722 tỷ đồng, với hơn 22 nghìn lượt khách hàng vay vốn, bằng 110% so với cùng kỳ 2019.

Đến hết tháng 6, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt gần 3.320 tỷ đồng, với trên 103 nghìn khách hàng còn dư nợ, đạt 100% kế hoạch năm. Dư nợ tăng trưởng chủ yếu ở các chương trình tín dụng: cho vay hộ cận nghèo (52 tỷ đồng), hộ mới thoát nghèo (59,7 tỷ đồng), hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn (gần 51 tỷ đồng), nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (hơn 40 tỷ đồng), giải quyết việc làm (22 tỷ đồng). Các tổ tiết kiệm và vay vốn được củng cố, kiện toàn, gần 94% tổ không có nợ quá hạn, gần 85% tổ xếp loại tốt

Thông qua nguồn vốn tín dụng giải ngân trong 6 tháng đầu năm đã giúp hơn 22 nghìn hộ nghèo, các đối tượng chính sách được vay vốn đầu tư phát triển kinh doanh, phục vụ đời sống. Vốn chính sách đã tạo việc làm cho hơn 1.200 lao động, giúp 47 học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập; xây dựng, sửa chữa gần 6.300 công trình nước sạch, gần 6.000 công trình vệ sinh tại vùng nông thôn, trên 400 căn nhà ở cho hộ nghèo. Nhờ đó, đã hạn chế tình trạng tín dụng đen, tiếp tục góp phần quan trọng trong giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Thư, xóm Rò, xã Phú Lai, huyện Yên Thủy hoàn cảnh hết sức khó khăn. Do thường xuyên ốm đau, bệnh tật, nhà cửa tạm bợ, gia đình chị mong muốn mua được con bò để nuôi nhưng mãi không thực hiện được, vì không có vốn. Còn hiện nay, sau khi được vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo của Ngân hàng chính sách xã hội, gia đình chị Thư đã mua được bò giống, hiện nuôi 4 con bò phát triển khỏe mạnh. Chị Thư chia sẻ: "Do điều kiện kinh tế khó khăn khi được vay vốn chính sách, gia đình tôi mới xây dựng chuồng trại kiên cố, mua được bò giống để nuôi. Đến nay, bò đã đẻ 4 lứa, gia đình đã bán một con để trang trải. Nhờ Ngân hàng chính sách xã hội mà gia đình tôi đã vơi đi phần nào những khó khăn".

Ngoài chăn nuôi bò, gia đình chị Thư trồng 6 sào bí xanh. Năm ngoái, bí xanh được mùa, được giá, gia đình chị đã trả một phần số tiền gốc vay của Ngân hàng chính sách xã hội.