Hỗ trợ tín dụng ưu đãi đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho các đối tượng yếu thế tại Đà Nẵng. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP Đà Nẵng cho biết, hiện đang triển khai thực hiện 14 chương trình tín dụng chính sách của Trung ương và một số đối tượng do địa phương quy định.
Tổng doanh số cho vay từ đầu năm đến 31/5 đạt 848 tỷ đồng, với 12.416 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 4.943 tỷ đồng, với hơn 95.027 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ.
Trong đó, dư nợ tín dụng chính sách phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế và việc làm đạt 3.588 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 72,58%/tổng dư nợ.
Nguồn vốn tín dụng chính sách hỗ trợ cho hơn 5.557 hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo có điều kiện mua sắm phương tiện sản xuất, cải thiện nhà ở, buôn bán làm ăn nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; hỗ trợ chi phí học tập cho hơn 3.757 em là học sinh, sinh viên.
Nguồn vốn cũng hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho gần 70.000 người lao động; hỗ trợ chi phí mua nhà ở xã hội, chi phí xây mới và sửa chữa nhà để ở cho hơn 2.546 gia đình… đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững trên địa bàn thành phố.
Theo Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng, sau 3 năm (2021-2023) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, TP Đà Nẵng đã triển khai đồng bộ và hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ cho người nghèo; đời sống của đại bộ phận hộ nghèo, hộ cận nghèo được cải thiện trên nhiều mặt.
Giai đoạn 2022-2025, TP Đà Nẵng phấn đấu giảm hộ nghèo còn sức lao động chuẩn thành phố hằng năm từ 1-1,5%; phấn đấu đến cuối năm 2025 không còn hộ nghèo còn sức lao động theo chuẩn thành phố.
Đồng thời, đảm bảo 100% người thuộc hộ nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; được hỗ trợ khi gặp khó khăn, không để ai bị bỏ lại phía sau.