Mới đây, Tập đoàn Vingroup và ngân hàng Techcombank cùng ký văn bản gửi Bộ Xây dựng đề xuất chương trình tín dụng dành cho người mua nhà ở xã hội với lãi vay thấp hơn, thời hạn vay dài hơn gói ưu đãi 120.000 tỷ đồng đang triển khai.
Theo các chuyên gia, đây là tín hiệu vui cho thấy thị trường tín dụng cho loại hình nhà ở xã hội đang dần được quan tâm.
Mục tiêu 130.000 căn hộ nhà ở xã hội khó hoàn thành

Nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phân khúc nhà ở xã hội phát triển, trong đó có các gói tín dụng lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, phân khúc nhà ở xã hội vẫn chưa thực sự phát triển do những vướng mắc liên quan đến dòng vốn vay.
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, Bộ Xây dựng cho biết tính từ 2021 đến nay, cả nước có 503 dự án đã triển khai với quy mô 418.200 căn, trong đó có 75 dự án hoàn thành với gần 40.000 căn.
Theo đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà xã hội, mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn. Riêng năm 2024, Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng khoảng 130.000 căn, tuy nhiên, Bộ Xây dựng đánh giá chỉ tiêu này sẽ khó hoàn thành.
Đáng chú ý, theo Bộ Xây dựng, việc triển khai gói vay 120.000 tỷ đồng còn rất chậm. Gói này mới giải ngân được 1%, tức khoảng 1.234 tỷ đồng. Trong số này, khoảng 1.200 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án, tức mới giải ngân hơn 30 tỷ đồng cho người mua nhà.
Ngoài ra, mới có một nửa số tỉnh, thành công bố danh mục dự án có nhu cầu vay, tập trung ở: Hà Nội, TPHCM, Bắc Ninh, Bình Định... Nguyên nhân được chỉ ra là lãi suất gói vay ưu đãi trên vẫn cao, trong khi thời gian cho vay ngắn nên chưa thu hút được các doanh nghiệp, người dân vay vốn.
Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, tiến độ giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng còn rất chậm. Hiện nay, ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước đã có thêm 2 ngân hàng đăng ký tham gia chương trình với số tiền của mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng.
Đến nay, số tiền cam kết cho vay phát triển nhà ở xã hội của 6 ngân hàng là 130.000 tỷ đồng.
Các chuyên gia chỉ ra nguyên nhân do mức lãi suất ưu đãi chưa đủ hấp dẫn. Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần hạ lãi suất, còn 8% với chủ đầu tư và 7,5% với người mua nhà nhưng vẫn còn cao và thời hạn ưu đãi ngắn (trong vòng 3 - 5 năm) nên chưa thực sự thu hút người vay.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) nhận định, lãi suất cho vay của gói ưu đãi chỉ thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi vay thông thường là chưa đủ hấp dẫn.
Bên cạnh đó, thời hạn vay là 5 năm với người mua nhà và 3 năm với doanh nghiệp, sau đó lãi suất sẽ thả nổi và điều chỉnh 6 tháng/lần.
Do đó, ông Châu kiến nghị lãi suất cho nhà ở xã hội nên ổn định để người mua vay với lãi suất 4,8% thời hạn vay 25 năm, còn chủ đầu tư được vay với lãi suất 4,8 - 5% trong thời hạn 5 năm.
Kỳ vọng dòng vốn giá rẻ
Mới đây, Tập đoàn Vingroup và ngân hàng Techcombank cùng ký văn bản gửi Bộ Xây dựng đề xuất chương trình tín dụng dành cho người mua nhà ở xã hội với lãi vay thấp hơn, thời hạn vay dài hơn gói ưu đãi 120.000 tỷ đồng đang triển khai.
Nguồn tài chính hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà ở xã hội sẽ khoảng 8.010 tỷ đồng. Trong đó, Techcombank đề xuất xem xét cấp bổ sung hạn mức tín dụng trong 5 năm kể từ khi bắt đầu thí điểm.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, đề xuất thí điểm này có nhiều điểm tương đồng với gói vay 120.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, điểm khác biệt nằm ở mức cho vay, mức lãi vay và thời hạn vay.
Theo đề xuất của Vingroup và Techcombank, đối tượng vay là tất cả cá nhân đủ điều kiện mua nhà ở xã hội theo danh sách do chủ đầu tư dự án xác minh và cung cấp. Mức cho vay mua nhà ở xã hội tối đa đến 100% giá trị hợp đồng mua bán nhà ở xã hội.
Trong thời gian đề xuất này được xem xét, Bộ Xây dựng kiến nghị tiếp tục xem xét tăng thời hạn cho vay ưu đãi, hạ mức lãi vay gói 120.000 tỷ đồng ở mức thấp hơn lãi cho vay thông thường từ 3 - 5%, kỳ hạn 10 - 15 năm.
Trước bối cảnh nghẽn dòng vốn, đề xuất của Vingroup và Techcombank về gói tín dụng ưu đãi 4,8%/năm, thời hạn vay 30 năm là tín hiệu vui cho thấy thị trường tín dụng cho loại hình nhà ở này đang dần được quan tâm.
Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), nếu gói vay mua nhà ở xã hội đạt được cả hai điều kiện lãi vay 4,8%/năm, thời hạn vay 30 năm thì quá tốt. Bởi hai điều kiện bắt buộc với người mua hiện nay là khả năng thu nhập và phải có 30% vốn tự có.
Do đó, ông Khánh nhấn mạnh cần có những chính sách hỗ trợ người lao động ổn định thu nhập. Nỗi lo lớn nhất của người mua nhà phân khúc này là không có thu nhập ổn định nên việc trả nợ sẽ trở thành gánh nặng về tài chính.
Chuyên gia tài chính ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đối tượng mua nhà ở xã hội thường là người lao động có thu nhập thấp, do đó lãi suất cho vay càng giảm thì người dân sẽ tiếp cận gói vay nhiều hơn.
Theo tính toán của chuyên gia này, các ngân hàng thương mại thường duy trì biên độ lợi nhuận khoảng 3%. Với mức lãi suất huy động từ 5 - 6% hiện nay, thông thường các ngân hàng thương mại cho vay ở mức lãi suất từ 8 - 9%/năm, giờ cho vay nhà ở xã hội với lãi suất thấp hơn từ 5 - 6%. “Mức lãi suất được điều chỉnh này sẽ hấp dẫn hơn với người dân”, ông Hiếu nói.
Phương Anh
Báo Lao động và Xã hội số 92