Ngân hàng “may đo” cho khách
Nguồn vốn là đòn bẩy quan trọng giúp doanh nghiệp thúc đẩy tăng trưởng sản xuất kinh doanh. Đặc biệt khi các dịp lễ cuối năm cận kề, các doanh nghiệp phải chuẩn bị nguồn vốn lớn để nhập nguyên vật liệu, tăng cường sản xuất nhằm đáp ứng sức mua tăng cao của thị trường.
Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn gặp nhiều khó khăn do chưa có nhiều ưu đãi cho nhóm doanh nghiệp này. Hiểu được khó khăn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các ngân hàng đã thiết kế nhiều sản phẩm tín dụng phù hợp với từng nhóm khách hàng.
Ở nhóm ngân hàng quốc doanh, Agribank đã tung ra gói tín dụng quy mô 20.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, thủy sản, chế biến và nhập khẩu nguyên phụ liệu, có lãi suất từ 2,6%/năm cho kỳ hạn dưới 3 tháng;
Đồng thời triển khai gói tín dụng 50.000 tỷ đồng dành cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch, với lãi suất giảm từ 0,5 - 1,5% cho những khách hàng tham gia chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch…
Với nhóm ngân hàng thương mại, BacABank cũng đang áp dụng chương trình cho vay bổ sung vốn kinh doanh cho các đơn vị phát triển các sản phẩm nông nghiệp với hạn mức vay lên đến 10 tỷ đồng/đơn vị.
Thời gian duy trì hạn mức tín dụng và ân hạn nợ gốc tối đa lần lượt là 36 tháng và 12 tháng; quy trình xử lý hồ sơ, giấy tờ đơn giản, linh hoạt phương thức trả nợ gốc lãi phù hợp với dòng tiền và khả năng thanh toán của khách hàng…
ACB triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ đồng lãi suất thấp và sẽ tiếp tục nâng quy mô gói vốn này lên 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp dịp cuối năm.
“Ngân hàng còn đưa ra những giải pháp tài chính toàn diện cho khách hàng như vay tín chấp, vay theo dòng tiền hay các giải pháp đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng xanh để doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của đối tác nước ngoài…", Tổng Giám đốc ACB Từ Tiến Phát cho biết.
Còn với Eximbank, các doanh nghiệp chưa từng phát sinh quan hệ tín dụng tại Eximbank được hưởng mức lãi suất ưu đãi chỉ 3,7%/năm. Đối với các doanh nghiệp đang có quan hệ tín dụng tại Eximbank, mức lãi suất vay USD áp dụng từ 3,8%/năm.
Eximbank cũng triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng với lãi suất vay VND từ 5,25%/năm dành riêng cho các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam (VBCI)…
Lãnh đạo cấp cao Eximbank cho hay, cuối năm, cầu vốn của khách hàng tăng nên ngân hàng nỗ lực giảm chi phí để hỗ trợ khách hàng, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.
Doanh nghiệp mạnh tay vay vốn
Anh Đức Nhâm, Giám đốc Công ty Ngọc Hà chuyên về vật liệu xây dựng cho biết, thường cuối năm giá vật liệu sắt, thép sẽ tăng do vào mùa xây dựng làm tăng cầu thị trường.
Để tăng nguồn hàng dự trữ không bị biến động về giá, nhất là tranh thủ lãi suất cho vay đang ở mức thấp, công ty đã mạnh dạn vay vốn để chủ động đặt hàng sớm cũng như tăng nguồn hàng lên 20% so với kế hoạch. “Lãi suất hiện tại là 6,9%/năm là mức khá tốt cho những doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi”, anh Nhâm bày tỏ.
Ông Nguyễn Khắc Duy, Phó giám đốc Công ty Chơn Chính cho biết, lượng đơn hàng năm nay của doanh nghiệp tăng 200% nhờ mở rộng thị trường xuất khẩu. Đơn hàng tăng nên nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng theo.
May mắn là 2 ngân hàng mà doanh nghiệp có quan hệ tín dụng đang giảm lãi suất cho vay từ 7% xuống còn 5 - 5,5%/năm. Dự kiến doanh nghiệp tiếp tục vay thêm vốn để đầu tư máy móc, nhà xưởng mở rộng quy mô sản xuất.
Theo Chủ tịch HĐQT Rasafood Mai Văn Khánh, mức lãi suất đang hấp dẫn, khả thi để các doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
“Chúng tôi dự kiến khai trương chuỗi cửa hàng thực phẩm chuyên cung ứng các sản phẩm OCOP, nhằm quảng bá tốt hơn các sản phẩm OCOP ra thị trường. Do đó, với nguồn vốn vay ưu đãi, Rasafood có thể chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào, từ đó có giá cung ứng ra thị trường ổn định", ông Mai Văn Khánh cho biết.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, tăng trưởng tín dụng đến ngày 29/11 đạt 11,9% nhưng đến ngày 7/12 đã đạt 12,5%, cao hơn cùng kỳ năm ngoái (chỉ khoảng 9%), tổng dư nợ đạt khoảng 15,3 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, huy động vốn đạt 14,8 triệu tỷ đồng, tốc độ tăng huy động vốn đạt 7,36%/năm.
Như vậy, tốc độ tăng dư nợ cao hơn khá nhiều so với tốc độ huy động vốn. Điều này chứng tỏ, ngoài việc huy động vốn từ nền kinh tế của các ngân hàng thương mại, NHNN cũng phải có động tác điều chỉnh hay đúng hơn là hỗ trợ thanh khoản, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ vốn cho các ngân hàng thương mại bằng các công cụ điều hành chính sách.
Lý giải nguyên nhân của việc tín dụng tăng nhanh hơn năm ngoái, ông Đào Minh Tú cho biết, nền kinh tế năm nay có nhiều điểm tích cực, xuất khẩu tăng nhanh, các doanh nghiệp nhìn chung đã quay lại tốc độ tăng trưởng của các năm trước.
Tăng trưởng kinh tế tích cực hơn nhờ sự điều hành rất quyết liệt, đồng bộ của cả Trung ương, địa phương, của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ, chính sách tài khóa, tiền tệ có sự kết hợp hài hòa, giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, vay vốn, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Yếu tố có tính chất quyết định trong việc tăng trưởng tín dụng cao hơn năm ngoái là sự điều hành của NHNN, các địa phương.
Ngay từ đầu năm, NHNN đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%, các địa phương cũng rất quyết liệt để đạt mục tiêu này và cấp thêm room. Nếu không bị ảnh hưởng của bão số 3, tăng trưởng tín dụng năm nay có thể còn cao hơn.
Châu Anh
Báo Lao động và Xã hội số 155