Trong giai đoạn 2014-2019, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Yên Bái đã thực hiện cho vay gần 130 nghìn lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách. Nguồn vốn này đã góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Chính sách tín dụng đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn ới và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Đến hết tháng 6/2019 trên địa bàn tỉnh Yên Bái đang triển khai 14 chương trình tín dụng chính sách, 84 nghìn hộ gia đình đang vay vốn với tổng dư nợ gần 3 nghìn tỷ đồng. Trong đó trên 60% là cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Nhờ có nguồn vốn này mà mỗi năm có hơn 20 nghìn hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn với doanh số bình quân 600 tỷ đồng/năm đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu vốn thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Hầu hết số hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đủ điều kiện có nhu cầu vay vốn đều được đáp ứng.
Thông qua vốn tín dụng chính sách đã giúp cho các khách hàng vay vốn đầu tư chăm sóc, cải tạo, trồng mới trên 53 nghìn ha rừng, trên 3.200 ha chè, 408 ha cây ăn quả; mua gần 50 nghìn con trâu, bò; gần 4 nghìn con lợn, …mở rộng hàng chục nghìn mét vuông nhà xưởng sản xuất, đầu tư phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; làm mới và cải tạo gần 54 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh cho hộ dân ở khu vực nông thôn.
Anh Giàng A Dê, một hộ dân xã La Pán Tẩn cho biết, cách đây 3 năm, anh vay vốn 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Nhờ sự tiếp sức của nguồn vốn chính sách cộng với tâm huyết phát triển du lịch cộng đồng và mơ ước thoát nghèo, sau hơn hai năm hoạt động, du lịch cộng đồng cộng đồng đã giúp anh cải thiện đời sống và vươn lên làm giàu.
Đến nay, trung bình mỗi tháng anh thu về từ 30-40 triệu đồng, trừ chi phí gia đình anh lãi khoảng 15-20 triệu. Không dừng lại ở đó, Giàng A Dê tiếp tục xây dựng mô hình du lịch cộng đồng với quy mô lớn hơn với việc ra mắt Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hello Mù Cang Chải trong dịp đầu năm vừa qua.
Qua đánh giá cho thấy, nguồn vốn cho vay ưu đãi của Chính phủ mà hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen và tạo sự ổn định ở nông thôn; giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có thêm nhiều cơ hội để tạo ra việc làm mới, phát huy các sản phẩm đặc thù tại địa phương; tăng thu nhập, cải thiện đời sống, tự họ vươn lên thoát nghèo, làm cho bộ mặt nông nghiệp nông thôn thực sự khởi sắc.
Cũng thông qua nguồn vốn này, gần 1.600 học sinh sinh viên được vay vốn để trang trải chi phí học tập; nguồn vốn cũng đã hỗ trợ trên 2.400 hộ nghèo làm nhà ở; tạo việc làm mới cho 5.446 người lao động. Doanh số cho vay vốn tín dụng chính sách trên địa bàn các xã đạt chuẩn nông thôn nới đạt trên 1 nghìn tỷ đồng; doanh số cho vay vốn tín dụng chính sách đối với 2 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a đạt 524,9 tỷ đồng…
Cùng với đó, vốn đầu tư sản xuất kinh doanh đã giúp cho người dân tập trung vào phát triển các thế mạnh kinh tế của địa phương như trồng rừng, chăn nuôi, mở rộng các cơ sở chế biến nông, lâm sản, trang trại và ngành nghề kinh doanh dịch vụ.
Vốn tín dụng ưu đãi đã thực sự giúp hộ nghèo, hộ chính sách nâng cao thu nhập bảo đảm đời sống và từng bước thoát nghèo, góp phần vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, đặc biệt tại hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải.
Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi, trên toàn tỉnhYên Bái, nhiều hộ gia đình đã và đang mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt; xây dựng các tổ hợp tác kinh tế mang lại hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và từng bước vươn lên thoát nghèo, góp phần tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát và giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Yên Bái mỗi năm từ 3-4%. Hiệu quả của chương trình giảm nghèo không chỉ thể hiện ở tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm mà mức sống bình quân của hộ nghèo cũng được nâng lên so với trước kia.