Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Yên Bái: Tạo động lực để người dân thoát nghèo bền vững

Xác định tăng trưởng phát triển kinh tế đi đôi với xóa đói giảm nghèo “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã ban hành một số chính sách đặc thù nhằm đẩy mạnh sản xuất, thu hút đầu tư để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, triển khai các chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, y tế, tư liệu sản… tạo động lực người dân thoát nghèo bền vững.

Niềm vui của người nghèo trong ngôi nhà mới

Là hộ nghèo của thôn Hơn, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình, trước đây, bà Nguyễn Thị Dị sống trong căn nhà cũ nát ọp ẹp, mùa hè nắng rọi, mùa đông gió lùa. Hoàn cảnh vốn đã khó khăn lại sống đơn thân nên để làm căn nhà kiên cố là mơ ước bấy lâu của bà Dị. Được sự quan tâm của Đảng bộ huyện cũng như các phòng ban chuyên môn và cấp ủy chính quyền địa phương, tháng 5/2020, bà Dị được hỗ trợ 50 triệu đồng từ nguồn đóng góp của tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy theo nghị quyết 08 của HĐND tỉnh về hỗ trợ làm nhà cho người có công với các mạng và hộ nghèo khó khăn về nhà ở để xây ngôi nhà kiên cố khang trang với tổng diện tích 90m2. Cùng sự giúp đỡ của họ hàng, làng xóm đến nay, ngôi nhà 3 gian trị giá gần 200 triệu đồng của bà đã hoàn thiện.

Chị Nguyễn Thị Bích ở thôn Yên Minh, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái.

Chia sẻ niềm vui của mình về ngôi nhà mới, bà Dị nói: "Một mình trong hoàn cảnh đơn thân lại già yếu, ngôi nhà lá đã quá xuống cấp, dột nát, mối mọt khắp nơi nhưng vẫn chưa làm lại được. Thật may mắn, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, vừa qua, gia đình tôi đã được hỗ trợ xây nhà. Đây thực sự như là một giấc mơ đối với cuộc đời tôi".

Cũng là một trong những hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khi chồng mất sớm, bản thân chị Nguyễn Thị Bích (thôn Yên Minh, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái) lại thường xuyên đau ốm, không có công việc ổn định. Căn nhà tranh vách đất tứ bề dột nát nhưng vẫn không có điều kiện để xây lại. Trong năm nay, chị đã được sự hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng nhà. Niềm vui có được ngôi nhà mới cứng trên, bền dưới, chị Bích bày tỏ xúc động: "Nếu không có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, bà con lối xóm thì không biết đến khi nào mẹ con tôi mới có căn nhà vững chắc để ở. Có nhà mới rồi, chúng tôi sẽ phấn đấu để thoát nghèo".

Còn với bà Trần Thị Dậu (80 tuổi) ở thôn Phú Thọ, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên thì niềm vui có được ngôi nhà mới trong những ngày cuối đời khiến bà cụ càng thêm vui mừng. Ở cái tuổi "xưa nay hiếm" nhưng bà Dậu lại phải chăm sóc thêm người con gái bị bệnh bại não từ lâu. Vì vậy, cuộc sống nghèo khó lại càng thêm khó khăn, căn nhà tranh vách đất xuống cấp dột, nát, hư hỏng đã lâu nhưng không có điều kiện để xây mới. Nhờ có sự hỗ trợ của nhà nước, bà mới có điều kiện để xây nhà. Nụ cười xen lẫn những giọt nước mắt cảm động, bà gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo các cấp của tỉnh, huyện, xã, các cấp chính quyền và những tấm lòng giàu lòng nhân ái đã giúp đỡ xây dựng ngôi nhà mới.

Đặt mục tiêu giảm 4% số hộ nghèo trong năm 2020

Với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và những giải pháp căn cơ bài bản, năm 2019 đã có 13.682 hộ nghèo thoát nghèo, giảm tổng số hộ nghèo toàn tỉnh còn 25.086 hộ, chiếm tỷ lệ 11,56% số hộ. Bên cạnh giảm hộ nghèo có thêm 7.909 hộ thoát cận nghèo, còn 20.514 hộ, chiếm tỷ lệ 9,45%.

Ông Phạm Tuấn Chung - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Yên Bái cho biết, kế thừa những kết quả quan trọng đã đạt được năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Kế hoạch số 170 ngày 1/2/2020 thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2020. Mục tiêu là giảm 8.479 hộ nghèo, tương đương 4% số hộ. Phấn đấu không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công (với 634 hộ, phấn đấu hỗ trợ nhà cho 105 hộ).

Yên Bái: Tạo động lực để người dân thoát nghèo bền vững - Ảnh 2.

Gia đình Trần Thị Dậu (80 tuổi) ở thôn Phú Thọ, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên được hỗ trợ nhà ở.

Điểm nhấn quan trọng trong thực hiện công tác giảm nghèo của tỉnh Yên Bái là luôn chú trọng hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, tạo sinh kế bền vững tùy theo thực tế của mỗi địa phương, mỗi gia đình gắn với phát huy lợi thế vùng miền nhằm tăng thu nhập bền vững cho hộ nghèo. Do đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện giúp đỡ, hướng dẫn các hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn, sử dụng nguồn vốn, tổ chức sản xuất và liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho hộ nghèo; hỗ trợ dạy nghề gắn với tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, hỗ trợ nhà ở.

Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao, bên cạnh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ vay vốn, đầu tư kết cấu hạ tầng, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ sinh kế và các nguồn vốn huy động, việc khơi dậy ý chí và khát vọng quyết tâm vươn lên thoát nghèo của người dân tránh tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước cũng đang được các cấp, ngành, đơn vị trong tỉnh đặc biệt quan tâm thực hiện bằng những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế.

Giai đoạn 2016 - 2020, nguồn kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo và lồng ghép từ các dự án, đề án, chương trình để thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh là trên 15.630 tỷ đồng chia theo các giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2016 - 2019 đã thực hiện trên 9.600 tỷ đồng; còn lại gần 6.000 tỷ đồng thực hiện trong năm 2020.

Từ nguồn kinh phí này, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và nâng cao năng lực cho cộng đồng, cán bộ cơ sở tại các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn…