Ngày 10/8, Bộ Y tế ban hành Quyết định 3802 kèm Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 thay thế quyết định trước đó.
Theo hướng dẫn mới này, phụ nữ mang thai và đang cho con bú chống chỉ định với vaccine Sputnik V. Ngoài ra, khi khám sàng lọc, nhân viên y tế cần hỏi tuổi thai với trường hợp là phụ nữ mang thai.
Nhân viên y tế cần giải thích nguy cơ/lợi ích, chỉ nên cân nhắc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho phụ nữ mang thai ≥13 tuần khi lợi ích tiềm năng lớn hơn bất kỳ nguy cơ tiềm tàng nào đối với mẹ và thai nhi.
Nhóm người trì hoãn tiêm chủng gồm:
- Có tiền sử rõ ràng đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng
- Đang mắc bệnh cấp tính
- Phụ nữ mang thai dưới 13 tuần
Các trường hợp phải được khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng là người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; người có bệnh nền, bệnh mạn tính; người mất tri giác, mất năng lực hành vi, người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu; phụ nữ mang thai ≥ 13 tuần; người phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống...
5 lưu ý quan trọng sau tiêm vaccine Covid-19
Không nên uống rượu bia và các chất kích thích ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng; luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24h... là 2 trong 5 lưu ý quan trọng Bộ Y tế khuyến cáo người tiêm.
1) Luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm phòng Covid-19.
2) Không nên uống rượu bia và các chất kích thích ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng.
Theo các chuyên gia, rượu, bia có thể ức chế miễn dịch, gây mất nước, giảm khả năng chống nhiễm trùng, tăng nguy cơ biến chứng, gây khó khăn khi phân biệt phản ứng của rượu, bia và phản ứng của vaccine.
Không uống nhiều thực phẩm chứa caffein (trà, cà phê, nước tăng lực...) trước khi tiêm bởi caffein làm tăng tần số tim, tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim khi sử dụng quá nhiều. Điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả khám sàng lọc, chỉ định tiêm chủng.
3) Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ
Sau tiêm, cơ thể có thể bị sốt, dễ gây mất nước. Nên uống từ từ, chia nhỏ lượng uống, có thể bổ sung nước hoa quả như nước chanh, nước cam để cung cấp thêm vitamin C, A.
Nên ăn đầy đủ và đa dạng thực phẩm, đủ các nhóm chất thịt, cá trứng sữa, các loại ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây tươi.
Nếu buồn nôn và chán ăn sau tiêm, nên dùng thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như súp gà, cháo thịt bằm với đậu xanh... và chia nhỏ bữa ăn.
4) Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm: Tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.
5) Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu có:
a. Sốt dưới 38,5 độ C: Cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước. Không để nhiễm lạnh. Đo lại nhiệt độ sau 30 phút.
b. Sốt từ 38,5 độ C trở lên: Sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.