Theo đó, các cơ sở thực hiện tiêm chủng vaccine Covid-19 là các cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng theo Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 1/6/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng, bao gồm cơ sở tiêm chủng của các bộ, ngành, các cơ sở tiêm chủng dịch vụ của nhà nước, tư nhân và các cơ sở khác đủ điều kiện tiêm chủng.
Đối với điểm tiêm chủng lưu động, có thể huy động nhân lực y tế địa phương hoặc địa phương khác bảo đảm đúng quy định theo Nghị định số 104/2016/NĐ-CP.
Sở y tế các tỉnh, thành phố lập danh sách các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện kể cả nhà nước và tư nhân trong và ngoài ngành y tế; xây dựng kế hoạch huy động toàn bộ cơ sở tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn để phối hợp thực hiện tiêm chủng trong trường hợp cần thiết. Các đơn vị sử dụng nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 của Bộ Y tế để thực hiện đăng ký tiêm chủng, quản lý đối tượng tiêm chủng và lập kế hoạch tiêm chủng; chuẩn bị cơ sở vật chất cho buổi tiêm chủng, bố trí điểm tiêm chủng theo quy tắc một chiều, thứ tự: Khu vực chờ trước tiêm chủng - Bàn đón tiếp, hướng dẫn - Bàn khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng - Bàn tiêm chủng - Bàn ghi chép, nhập số liệu - Khu vực theo dõi và xử trí tai biến sau tiêm chủng.
Các điểm tiêm chủng chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ, vật tư tiêu hao cho tiêm chủng, biểu mẫu tiêm chủng và bảo đảm thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong việc triển khai chiến dịch; chuẩn bị trang thiết bị, phương tiện xử trí cấp cứu tại chỗ và phương án cụ thể để hỗ trợ cấp cứu trong trường hợp cần thiết; có bồn rửa tay xà phòng hoặc dung dịch rửa tay ngay tại điểm tiêm chủng; các bề mặt thường xuyên tiếp xúc phải được vệ sinh bằng các biện pháp thích hợp...
Nhân viên tham gia tiêm chủng và đối tượng hỗ trợ tiêm chủng phải được tập huấn về an toàn phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp, thực hiện theo dõi sức khỏe theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Cán bộ thực hiện khám sàng lọc và thêm chủng phải được tập huấn về triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19.
Các điểm tiêm chủng nên huy động tối đa các lực lượng khác ngoài ngành y tế, như lực lượng công an, quân đội, các tổ chức chính trị - xã hội, các ban, ngành, đoàn thể, bao gồm đoàn thanh niên, hội phụ nữ... hỗ trợ triển khai tiêm chủng. Tại mỗi điểm tiêm chủng phải có bảng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng nhân viên trong từng đợt, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng và đáp ứng cấp cứu đối với sự cố bất lợi sau tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.
Cơ sở tiêm chủng phải tự thực hiện rà soát các nội dung về an toàn tiêm chủng theo hướng dẫn và khắc phục tất cả vấn đề tồn tại của cơ sở tiêm chủng trước khi tổ chức tiêm chủng. Các bước thực hiện tiêm chủng: Khai báo y tế; đo thân nhiệt; hoàn thiện phiếu đồng ý tiêm; sàng lọc trước tiêm chủng, tư vấn trước khi tiêm; tiêm chủng; theo dõi sự cố bất lợi sau tiêm chủng.
Các cơ sở tiêm chủng phải theo dõi người được tiêm ít nhất 30 phút sau tiêm chủng tại điểm tiêm; cung cấp giấy xác nhận đã tiêm vaccine Covid-19; hướng dẫn đối tượng tiêm vaccine tự theo dõi tại nhà chặt chẽ trong vòng 24 giờ và tiếp tục theo dõi trong vòng 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu sau tiêm chủng về các dấu hiệu: Toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm, thông báo cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp nhận trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng phải tiến hành cấp cứu, điều trị và báo cáo sở y tế trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận người bị tai biến.