Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Bảo hiểm xã hội

Đề xuất vẫn được tính hưởng chế độ ốm đau khi nghỉ ốm nửa ngày

Ngọc Bích
Ngọc Bích

(Dân sinh) - Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đề xuất bổ sung thêm mức hưởng trợ cấp ốm đau nửa ngày được tính bằng một nửa mức trợ cấp ốm đau một ngày.

So với quy định hiện hành về mức hưởng trợ cấp ốm đau tại Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì tại Điều 46 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đề xuất bổ sung thêm mức hưởng trợ cấp ốm đau nửa ngày được tính bằng một nửa mức trợ cấp ốm đau một ngày.

Đề xuất trên góp phần làm tăng thêm chế độ quyền lợi của người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại các doanh nghiệp, thực hiện theo các chính sách của Nhà nước về nâng cao lợi ích và đời sống của người dân lao động.

che do om dau.jpeg
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã vẫn được tính hưởng chế độ ốm đau khi người lao động nghỉ ốm nửa ngày (Ảnh minh họa: CC).

Đề xuất vẫn được tính hưởng chế độ ốm đau khi nghỉ ốm nửa ngày

Cụ thể, điều 46 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất quy định về mức hưởng chế độ ốm đau như sau:

- Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 44, Điều 45 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) thì mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của tháng gần nhất trước tháng nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau.

- Người lao động phải nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau ngay trong tháng đầu tiên khi mới bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội hoặc tham gia trở lại sau khi thôi việc thì mức hưởng bằng 75% mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của tháng đó.

- Mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày.

- Mức hưởng trợ cấp ốm đau nửa ngày được tính bằng một nửa mức trợ cấp ốm đau một ngày.

Khi tính mức hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau không trọn ngày thì trường hợp nghỉ việc dưới nửa ngày được tính là nửa ngày; từ nửa ngày trở lên được tính là một ngày.

- Người lao động hưởng tiếp chế độ ốm đau quy định tại khoản 2 Điều 44 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) thì mức hưởng được quy định như sau:

+ Bằng 65% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 30 năm trở lên;

+ Bằng 55% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;

+ Bằng 50% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc dưới 15 năm.

- Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) thì mức hưởng bằng 100% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

- Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết về cách tính, việc xác định điều kiện đối với từng trường hợp cụ thể về chế độ ốm đau.

Điều 100 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định hồ sơ hưởng chế độ ốm đau

- Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với người lao động hoặc con của người lao động điều trị nội trú. Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động điều trị ngoại trú phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.

- Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài thì hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 100 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được thay bằng bản dịch tiếng Việt của giấy khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài cấp.

- Danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau do người sử dụng lao động lập.

- Bộ trưởng Bộ Y tế quy định mẫu, trình tự, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, giấy ra viện và các mẫu giấy quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.