Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Bảo hiểm xã hội

Mở rộng đối tượng tham gia Bảo hiểm thất nghiệp: Vượt qua thách thức

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Bảo hiểm thất nghiệp là một trong những nội dung có nhiều thay đổi lớn tại Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Luật Việc làm (sửa đổi) cần có giải pháp bảo đảm tính khả thi của quy định, tăng số lượng người tham gia để đạt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 45% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) như xác định tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Mục tiêu là xây dựng BHTN trở thành công cụ để quản trị thị trường lao động như lời Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung từng nhấn mạnh. 

Mở rộng đối tượng tham gia Bảo hiểm thất nghiệp: Vượt qua thách thức - 1
 Người lao động làm thủ tục hưởng BHTN tại Trung tâm dịch vụ việc làm.

Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đề xuất bổ sung đối tượng tham gia BHTN gồm người lao động có hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên (hiện nay từ 3 tháng trở lên) và người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất.

Bên cạnh đó, dự thảo luật còn linh hoạt mức đóng BHTN với việc sửa đổi theo hướng người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những lao động đang tham gia BHTN.

Bên cạnh đó, Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của người lao động đang tham gia BHTN và do ngân sách trung ương bảo đảm.

Theo cơ quan soạn thảo, Luật Việc làm năm 2013 quy định mức đóng BHTN của người lao động và người sử dụng lao động cố định là 1% mức tiền lương tháng. Điều này chưa đảm bảo tính linh hoạt trong điều chỉnh mức đóng BHTN, nhất là trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, suy thoái hoặc khi Quỹ kết dư lớn...

Bên cạnh đó, theo Bộ LĐ-TB&XH, chế độ hỗ trợ học nghề theo quy định của Luật Việc làm 2013 mới chỉ tập trung giải quyết được nhu cầu học nghề cho người thất nghiệp mà chưa có giải pháp hỗ trợ người lao động được đào tạo, phát triển kỹ năng nghề hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.

Đồng thời, mức hỗ trợ học nghề còn tương đối thấp, chỉ hỗ trợ học phí học nghề, chưa có các hỗ trợ khác trong thời gian học nghề dẫn đến khó khăn trong việc tham gia học nghề, nhất là với những người bị mất việc làm nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Về nội dung này, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định theo hướng mở rộng phạm vi hỗ trợ, không chỉ hỗ trợ người lao động tham gia khóa đào tạo nghề mà cả các khóa bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, đồng thời bổ sung nội dung hỗ trợ (tiền ăn) cho người lao động trong thời gian tham gia đào tạo mà không hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Thảo luận về Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, công ăn việc làm ổn định sẽ giúp bảo đảm an sinh xã hội, do đó sửa đổi luật là rất cần thiết.

Đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của BHTN có nhiều mục đích, quan trọng nhất là bù đắp thu nhập cho người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ học nghề, tìm việc làm mới phù hợp, sớm đưa người lao động trở lại thị trường lao động. 

“Mở rộng đối tượng tham gia BHTN - đề nghị này rất thách thức nhưng phải cố gắng để thực hiện cho được. Luật cần có giải pháp để bảo đảm tính khả thi của quy định, tăng số lượng người tham gia để đạt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 45% lực lượng lao động tham gia BHTN như xác định tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.

Cũng liên quan đến nội dung BHTN, đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) đánh giá cao việc Chính phủ và Bộ LĐ-TB&XH đã tiếp thu ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp về việc giảm tỷ lệ đóng BHTN của người sử dụng lao động và người lao động.

Đại biểu đề nghị bỏ quy định thời gian hưởng tối thiểu là 3 tháng, thay vào đó là tính hưởng theo thời gian đóng, đóng đủ 12 tháng thì được hưởng 1 tháng. Đại biểu cũng đề nghị bỏ quy định không bảo lưu thời gian đóng BHTN trên 144 tháng.

Đối với người lao động khi nghỉ hưu còn thời gian tham gia BHTN chưa được hưởng, đại biểu cho rằng cũng cần được hưởng khoản trợ cấp BHTN một lần tương tự khi tham gia BHTN để bảo đảm tính công bằng có đóng, có hưởng của người lao động.

Hà Phương

Báo Lao động và Xã hội số 140