Chiều 3/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về Dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Tóm tắt tờ trình Dự án Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo Luật được tiếp thu, rà soát, sửa đổi và kết cấu lại gồm 9 chương và 94 điều, giảm 36 Điều so với dự thảo Luật kèm Tờ trình số 410/TTr-CP.
So với Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có một số nội dung sửa đổi, bổ sung 4 nhóm chính sách gồm: quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, tập trung; hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.
Trong đó, đáng chú ý, ở nhóm chính sách 2, dự thảo Luật đã mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Cụ thể, bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm: Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (hiện nay từ 3 tháng trở lên); Người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất, đảm bảo thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Ông Dung nhấn mạnh, Dự thảo linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, sửa đổi mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng: Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; Người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp;
Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách Trung ương bảo đảm...
Đáng chú ý, ở nhóm chính sách 4, dự thảo Luật đã sửa đổi quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm.
Theo đó, sửa đổi quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật, góp phần tăng cường nguồn vốn và nâng cao hiệu quả cho vay giải quyết việc làm theo hướng gồm:
Ngân sách Trung ương cấp cho NHCSXH từ chi đầu tư phát triển khác; Nguồn Quỹ quốc gia về việc làm chuyển thành nguồn ngân sách Trung ương cấp cho NHCSXH (để đảm bảo phù hợp quy định Luật Ngân sách nhà nước 2015); Nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH; Nguồn huy động của NHCSXH; Nguồn vốn tổ chức, cá nhân khác ủy thác qua NHCSXH.
Đồng thời bổ sung quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện bố trí vốn ngân sách địa phương bao gồm vốn đầu tư phát triển khác, kinh phí thường xuyên và nguồn vốn hợp pháp khác, giao UBND cùng cấp ủy thác qua NHCSXH thực hiện cho vay giải quyết việc làm.
Tạo hành lang pháp lý vững chắc phát triển đồng bộ thị trường lao động
Theo Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, dự án Luật là cần thiết nhằm thể chế hoá các quan điểm, nghị quyết của Đảng về việc tăng cường các nguồn tín dụng chính sách cũng như quan tâm đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm (trong và ngoài nước) cho các đối tượng yếu thế, đặc thù, nhất là lao động nghèo, lao động thuộc các vùng khó khăn. Đồng thời, khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập của luật hiện hành.
Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, để việc sửa đổi Luật tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc xây dựng, phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, Ủy ban Xã hội nhấn mạnh một số quan điểm sau:
Việc sửa đổi Luật phải kế thừa, phát triển những quy định hiện hành, bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh cần nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện các quy định, làm rõ chính sách hỗ trợ phát triển các thị trường lao động đặc thù, nhất là phát triển thị trường lao động khu vực nông thôn, lao động là người DTTS, lao động nữ, người cao tuổi , thị trường lao động trình độ cao.
Bảo đảm ngân sách cho các chính sách, chế độ có sử dụng ngân sách nhà nước; khả năng cân đối Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển việc làm bền vững, việc làm có giá trị cao để phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật Việc làm (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Tám được dư luận xã hội, cử tri và Nhân dân quan tâm do “vấn đề việc làm đang rất thời sự”.
Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh, ghi nhận cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến, nội dung theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã rà soát, sửa đổi và kết cấu lại dự thảo Luật gồm 9 chương và 94 điều, giảm 36 Điều...
Ông Mẫn cho rằng, hồ sơ dự án Luật Việc làm (sửa đổi) cơ bản đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám và sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ Chín.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, trong đó có việc chuyển nguồn Quỹ quốc gia về việc làm thành nguồn ngân sách trung ương cấp cho NHCSXH và việc bảo đảm nguồn lực cho vay đối với nguồn ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH ở các địa phương.
Rà soát, bảo đảm tính khả thi của quy định về đăng ký lao động, bảo đảm sự liên thông giữa đăng ký lao động, thông tin thị trường lao động và các thông tin liên quan khác; nghiên cứu bổ sung các chính sách hỗ trợ mở rộng cho các tổ chức dịch vụ việc làm tư nhân, tính khả thi của quy định về tư vấn viên dịch vụ việc làm và trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trong ban hành bộ tiêu chuẩn quốc gia về dịch vụ việc làm.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần bảo đảm tính khả thi của các giải pháp mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; làm rõ, bổ sung quy định người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động và xử lý kỷ luật, buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức thì không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
“Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, xem những vấn đề nào còn sót lại ở những điều mà quy định của Chính phủ ở nghị định hoặc thông tư còn quá chi tiết trong dự thảo Luật này thì tiếp tục thực hiện đúng theo tinh thần: những việc Quốc hội quy định bảo đảm ngắn gọn, rõ, dễ hiểu, dễ nhớ và có tuổi thọ của Luật lâu dài”, Chủ tịch Quốc hội nói.