Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Bảo hiểm xã hội

Thay đổi cách tính lương hưu tăng cao hơn cho lao động nam

Trần Huyền
Trần Huyền

Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nữ không thay đổi, trong khi đó cách tính đối với lao động nam có sự thay đổi tăng cao hơn đối với người nghỉ hưu có thời gian đóng từ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).

Chính phủ đã có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

27.6.24 lao dong nam.jpg
Thay đổi cách tính lương hưu tăng cao cho lao động nam (Ảnh minh họa: BHL Group).

Giảm bớt chênh lệch tỷ lệ hưởng lương hưu giữa lao động nam và nữ

Về điều chỉnh quy định tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam nghỉ hưu có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, Chính phủ thống nhất với nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Mức lương hưu hàng tháng của đối tượng đủ điều kiện quy định được tính như sau:

Đối với lao động nữ bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Đối với lao động nam bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, tương ứng với 20 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Trường hợp lao động nam có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hàng tháng bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.

Chính phủ cho biết việc chỉnh lý quy định trên vẫn đảm bảo kế thừa quy định hiện hành, để đạt được tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75% thì lao động nam cần có 35 năm đóng BHXH, lao động nữ cần có 30 năm đóng BHXH.

Cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nữ không thay đổi, trong khi đó cách tính đối với lao động nam có sự thay đổi tăng cao hơn đối với người nghỉ hưu có thời gian đóng từ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH để giảm bớt chênh lệch tỷ lệ hưởng lương hưu giữa nam và nữ.

Do điều chỉnh tăng tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam nghỉ hưu có thời gian đóng từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm nên số tiền chi trả từ quỹ BHXH cũng sẽ tăng lên so với phương án trình trước đó.

Tuy nhiên, ước tính theo số liệu thống kê của cơ quan BHXH thì số đối tượng chịu tác động của quy định không nhiều, dự kiến gần 7.000 lao động nam/năm; đồng thời tỷ lệ tăng không nhiều, do đó, tác động đến quỹ BHXH không lớn.

Cùng đóng BHXH 15 năm nhưng lương hưu lao động nam thấp hơn nữ 11,25%

Tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đề xuất quy định, mức lương hưu hàng tháng của đối tượng đủ điều kiện nghỉ hưu được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, tương ứng với 20 năm đóng BHXH đối với lao động nam và 15 năm đóng BHXH đối với lao động nữ. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Trường hợp lao động nam có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì mỗi năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 2,25%.

Như vậy, cùng thời gian đóng BHXH 15 năm nhưng lao động nữ có mức hưởng lương hưu là 45% thì lao động nam chỉ có 33,75%; chênh nhau 11,25%.

Bộ LĐ-TB&XH đã làm rõ về tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam nghỉ hưu có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm. Theo đó, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, các cơ quan thống nhất tiếp thu theo hướng thống nhất với Chính phủ là kế thừa quy định về tỷ lệ hưởng lương hưu đã được quy định tại Luật BHXH năm 2014.

Riêng cách tính lương hưu đối với lao động nam nghỉ hưu có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì có điều chỉnh so với dự thảo Chính phủ trình (tỷ lệ hưởng lương hưu là 2,25% cho một năm đóng) nhằm cải thiện tỷ lệ hưởng lương hưu của đối tượng này (theo dự thảo Chính phủ trình Quốc hội thì lao động nam nghỉ hưu có 15 năm đóng tỷ lệ hưởng lương hưu là 33,75%) và cũng góp phần giảm bớt chênh lệch về tỷ lệ hưởng lương hưu so với lao động nữ có thời gian đóng tương ứng.

Tin liên quan