Thay đổi cách tính lương hưu
Từ ngày 1/7/2025, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2024 bắt đầu có hiệu lực sẽ tiếp tục thực hiện thay đổi cách tính lương hưu cho người lao động (NLĐ).
BHXH Việt Nam cho biết, theo quy định mới của Luật BHXH 2024, NLĐ đóng BHXH 15 năm được hưởng lương hưu. Tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng đối với lao động nữ tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%;
Mức tối đa bằng 75%. Đối với lao động nam, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 20 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Trường hợp có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hàng tháng bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tương ứng 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.
Nếu nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm lao động sẽ bị trừ tỷ lệ hưởng: Mỗi năm nghỉ hưu sẽ bị trừ 2% vào tổng tỷ lệ hưởng (có thời gian lẻ dưới 6 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu, thời gian lẻ từ 6 tháng trở lên thì tính mức giảm là 1%).
Điều chỉnh tăng lương hưu
Theo Luật BHXH 2024, lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và Quỹ BHXH. Ngoài ra, sẽ điều chỉnh mức tăng lương hưu thỏa đáng đối với đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 bảo đảm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa những người nghỉ hưu ở các thời kỳ.
Chính phủ quy định thời điểm, đối tượng, mức điều chỉnh lương hưu. Theo Nghị định 75/2024 của Chính phủ, từ 1/7 điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng.
Đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng theo quy định, sau khi điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng, có mức hưởng thấp hơn 3,5 triệu đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 3,2 triệu đồng/người/tháng;
Tăng lên bằng 3,5 triệu đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/người/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng sau khi điều chỉnh theo quy định nêu trên là căn cứ để tính điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng ở những lần điều chỉnh tiếp theo.
Tính lương hưu cả quá trình đóng BHXH
Theo quy định mới NLĐ tham gia BHXH từ năm 2025 không được tính lương hưu trên những năm đóng BHXH cuối.
Theo quy định tại Luật BHXH 2014, mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu của NLĐ thuộc khu vực nhà nước được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của một số năm cuối trước khi nghỉ hưu.
Tuy nhiên, Luật BHXH 2024 quy định, người bắt đầu tham gia BHXH từ 1/1/2025 trở đi thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của toàn bộ thời gian tham gia BHXH.
Theo đó, nếu NLĐ bắt đầu tham gia BHXH từ 2025, mức lương hưu thực hiện theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định sẽ được tính dựa trên toàn bộ quá trình đóng giống như NLĐ thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
Theo đại diện BHXH Việt Nam, việc điều chỉnh cách tính lương hưu từ tính bình quân 5 năm cuối lên tính cả quá trình đóng BHXH là phù hợp với chính sách cải cách tiền lương và đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.
Do mức lương giai đoạn trước thấp, nếu tính cả quá trình đóng BHXH thì mức lương hưu sẽ rất thấp. Điều này bất lợi cho NLĐ, nhất là với lao động làm trong khu vực nhà nước. Hiện nay mức lương khu vực nhà nước đã nâng lên thì việc tính cả quá trình theo Luật BHXH sửa đổi là phù hợp.
Việc tính mức lương hưu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Tổng thời gian đã đóng BHXH, diễn biến thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH, cả quá trình đóng BHXH đến khi nghỉ hưu, tuổi đời, giới tính, thời điểm nghỉ hưu, chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ...
Nguyên tắc của BHXH là mức hưởng được tính trên cơ sở mức đóng và thời gian đóng. Việc quy định mức lương hưu được tính trên cơ sở tỷ lệ hưởng lương hưu và mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của toàn bộ quá trình đóng là phù hợp với nguyên tắc đóng, hưởng.
Đề xuất tăng mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện. Dự thảo, đề xuất 2 phương án hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện. Phương án 1: Tăng mức hỗ trợ từ 30% lên thành 50% đối với người tham gia BHXH là người thuộc hộ nghèo; tăng mức hỗ trợ từ 25% lên thành 40% đối với người tham gia BHXH là người thuộc hộ cận nghèo; bổ sung đối tượng được hỗ trợ là người thuộc dân tộc thiểu số, mức hỗ trợ 30%; tăng mức hỗ trợ từ 10% lên thành 20% đối với người tham gia khác. Phương án 2: Giữ nguyên đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ như hiện hành và bổ sung thêm đối tượng được hỗ trợ là người thuộc DTTS với mức hỗ trợ 20%. Dự thảo nêu rõ, người tham gia BHXH tự nguyện thuộc nhiều đối tượng được hỗ trợ ở nhiều mức khác nhau thì được hỗ trợ theo mức hỗ trợ cao nhất; khuyến khích các địa phương, cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện. Theo dự thảo, thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng). Định kỳ 3, 6 hoặc 12 tháng, cơ quan BHXH tổng hợp danh sách người được hỗ trợ và gửi cơ quan tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ BHXH. Ngân sách địa phương đảm bảo chi phí hỗ trợ; ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ các địa phương khó khăn. |
Minh Vũ
Báo Lao động và Xã hội số 147