Theo điều tra ban đầu, từ đầu năm 2020 đến nay, Ứng thị Thu Thủy đã cho khoảng 70 người tại địa bàn huyện Chư Sê và TP. Pleiku vay với tổng số tiền khoảng 400 triệu đồng, dưới hình thức cho vay cắt lãi trước và trả góp theo ngày, mức lãi suất là từ 15%-18,75%/tháng, tương ứng với 150%-225%/năm. Điều này có nghĩa là mức lãi trên cao hơn nhiều so với mức gấp 5 lần lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự (20%/năm). Ngày 29/9/2020, khi Ứng thị Thu Thủy đang giao dịch cho vay và thu nợ đối với một cá nhân thì bị lực lượng Công an phát hiện bắt quả tang.
Qua khám xét, lực lượng Công an đã thu giữ 1 máy tính xách tay, 1 máy in, 1 bộ máy tính bàn, 1 đầu thu camera, 1 bình xịt hơi cay, giấy loại A4 có nội dung là mẫu giấy vay tiền chưa ghi các thông tin về người vay, khoản vay và một số giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận sở hữu khác do các 'con nợ' cầm cố cho Ứng thị Thu Thủy, cùng nhiều đồ vật, tài liệu có liên quan khác… Kết quả điều tra ban đầu, Công an huyện Chư Sê xác định được 21 trường hợp vay nợ, với 70 lượt vay, Ứng thị Thu Thủy đã cho vay tổng số tiền 697 triệu đồng, thu lợi bất chính trên 110 triệu đồng.
Điều 201 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định như sau: "Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm."