Cơ quan điều tra ban đầu xác định, Lê Huy Vũ là đối tượng có 2 tiền án về các tội "Cướp giật tài sản" và "Đánh bạc" đã từng đi tù. Sau khi ra tù, Lê Huy Vũ móc nối với một số đối tượng để mua gỗ lậu tại khu vực xã biên giới Ia Mơr, huyện Chư Prông tỉnh Gia Lai.
Sau đó, Lê Huy Vũ dùng ô tô chở gỗ về bán cho Doanh nghiệp tư nhân Hùng Ny tại thôn Mỹ Thạch 3, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê do Nguyễn Quốc Hùng (SN 1976) làm chủ. Mỗi đêm, trung bình Lê Huy Vũ vận chuyển về cho Hùng khoảng 5 xe gỗ. Qua khám xét khẩn cấp nơi ở của đối tượng Lê Huy Vũ, lực lượng Công an đã thu giữ nhiều tài liệu, điện thoại liên quan đến việc mua bán lâm sản trái phép.
Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh cũng khởi tố 4 bị can là nhân viên và kế toán của Doanh nghiệp tư nhân Hùng Ny về hành vi vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản gồm: Nguyễn Văn Đức (SN 1970, trú tại xã Cát Trinh, huyện Phú Cát, tỉnh Bình Định), Nguyễn Thanh Hải (SN 1972, trú tại xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), Đỗ Quang Thành (SN 1972, trú tại tổ 6, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê), Trương Thị Phượng (SN 1985, trú tại thôn 1, xã Ia Pal, huyện Chư Sê). Các đối tượng này được cho tại ngoại nhưng cấm đi khỏi nơi cư trú.
Đây là 4 đối tượng được xác định có vai trò giúp sức cho Hùng trong việc kinh doanh lâm sản trái phép.
Mục 1 Phần IV Thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT/BNN&PTNN-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 08/3/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản như sau: Khai thác trái phép cây rừng là một trong các hành vi sau đây: Khai thác cây rừng ở rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép trong trường hợp pháp luật quy định việc khai thác đó chỉ được thực hiện khi đã được cấp giấy phép và giấy phép còn trong thời hạn; khai thác cây rừng ngoài khu vực cho phép; khai thác cây rừng không có dấu búa bài cây (bài chặt) trong các trường hợp theo quy định của pháp luật phải có dấu búa bài cây (bài chặt); khai thác cây rừng vượt quá khối lượng cho phép (phần vượt quá khối lượng). Hành vi khác vi phạm các quy định của Nhà nước về khai thác và bảo vệ rừng là ngoài hành vi khai thác trái phép cây rừng còn có hành vi khác vi phạm các quy định của Nhà nước về khai thác và bảo vệ rừng. Vận chuyển, buôn bán gỗ trái phép là hành vi vận chuyển, buôn bán gỗ không đúng quy định của Nhà nước (như vận chuyển gỗ không có thủ tục, buôn bán gỗ không có giấy phép đăng ký kinh doanh hoặc có giấy phép đăng ký kinh doanh nhưng hết hiệu lực...)
Trường hợp khai thác trái phép rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao cho tổ chức, tập thể, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp mà người được giao đã bỏ vốn đầu tư trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ.....thì bị xử lý như sau: Nếu chủ rừng khai thác cây rừng trái phép thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự; nếu người khai thác cây rừng trái phép mà không phải là chủ rừng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều luật tương ứng quy định tại Chương XIV "Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật Hình sự. Trường hợp buôn bán, vận chuyển gỗ trái phép qua biên giới thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 153 hoặc Điều 154 Bộ luật Hình sự.