Tại buổi tiếp, Tổng Giám đốc Canon Việt Nam cảm ơn Bộ LĐ-TB&XH trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2019 đã lắng nghe và tiếp thu nhiều ý kiến của các Doanh nghiệp Nhật Bản.
Phát biểu tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản đang ngày càng tốt đẹp hơn, đi vào chiều sâu và trở thành đối tác toàn diện. Bộ trưởng cho biết thêm, hiện nay có 300.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản, trong đó lao động Việt Nam làm việc tại Nhật là 180.000 lao động. Riêng năm 2019, lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản là 84.000 lao động
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cảm ơn các Doanh nghiệp Nhật Bản đã tham góp nhiều nội dung cho Bộ luật Lao động (sửa đổi) như thời giờ làm thêm, bảo vệ phụ nữ... Bộ trưởng cho rằng cần đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của cả người lao động và doanh nghiệp để cả người dân và doanh nghiệp cùng phát triển.
Bộ trưởng chia sẻ thêm, trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) có một số nội dung sửa đổi về người nước ngoài lao động tại Việt Nam. Một số nội dung cần quan tâm như chuyên gia, người lao động trong điều kiện đặc biệt…
"Từ nay đến hết tháng 12 năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH sẽ xây dựng, sửa đổi các Nghị định liên quan đến Bộ luật Lao động (sửa đổi) nhằm tạo hành lang pháp lý tốt nhất cho các doanh nghiệp hoạt động"- Bộ trưởng cho biết.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp và người lao động, vì vậy, Bộ trưởng hy vọng các Doanh nghiệp Nhật Bản sẽ đi đầu tiên phong trong vấn đề đào tạo nhân lực vì đây là lợi ích lâu dài của các doanh nghiệp.
Thông tin thêm tới ông Niimura Minoru, Bộ trưởng cho biết, hiện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Cục Việc đang làm nghiên cứu, xây dựng một số văn bản liên quan đến người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, kết nối doanh nghiệp với nhà trường để đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp trong nước, trong đó có các doanh nghiệp và nghiệp đoàn Nhật Bản.