Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XV, chiều ngày 23/7, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung sẽ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Cũng trong chiều cùng ngày, ngay sau khi nghe tờ trình và Báo cáo thẩm tra, đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Trước đó, sáng ngày 22/7, trình bày trước Quốc hội Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân gửi tới kỳ họp, Chủ tịch Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN đề nghị Chính phủ quan tâm sớm ban hành và triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Về Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025, Tờ trình số 144/TTr-CP ngày 21/5/2021 của Chính phủ nêu rõ sự cần thiết xây dựng chủ trương đầu tư Chương trình này.
Điều này xuất phát từ yêu cầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; yêu cầu thực hiện chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021-2030 và phương hướng nhiệm vụ phát triển KTXH 5 năm 2021-2025.
Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH quản lý; được thực hiện trên phạm vi cả nước với mục tiêu tổng quát là: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu bền vững, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống và các địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch Covid– 19 cho đại biểu Quốc hội. Ngoài ra, có phương án bố trí phương tiện tối tân nhất như máy phát hiện Covid-19 qua hơi thở tại Nhà Quốc hội. (Ảnh: Việt Hùng)
Song song, phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, thị trường lao động đồng bộ, hiện đại nhằm tạo việc làm đầy đủ, việc làm tốt cho tất cả mọi người và phát triển hệ thống trợ giúp xã hội chuyên nghiệp, giảm bất bình đẳng xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững.
Đối tượng thụ hưởng của Chương trình bao gồm: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi cả nước; người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo;
Đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em, người bạo lực trên cơ sở giới, người cai nghiện; Người học nghề, người lao động, giáo viên, cán bộ quản lý; Các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo;
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện; cơ sở cung cấp dịch vụ cho trẻ em, hỗ trợ về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cơ quan có liên quan.
Theo dự kiến, chiều ngày 29/7 tới, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Sau đó, thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Chương trình sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để nhân dân, cử tri cả nước theo dõi.