Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, để giảm thiểu tình trạng trẻ em bị đuối nước trong thời gian tới, việc phổ cập bơi và các kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em là giải pháp thiết thực nhất. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm phát triển môn bơi, coi môn bơi là phương tiện hữu hiệu để phát triển thể lực, tầm vóc và phòng chống đuối nước trẻ em.
Các địa phương quan tâm bố trí kinh phí triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em trong nguồn ngân sách hàng năm; vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng bể bơi, hồ bơi tại các xã, phường, thị trấn, trường học; có chế độ ưu tiên, miễn, giảm tiền thuê bể bơi, tiền học phí cho trẻ em, để tạo điều kiện cho trẻ em, học sinh được học bơi và tập luyện bơi.
Cơ quan chức năng thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về chuyên môn đảm bảo vệ sinh, an toàn đối với các cơ sở tổ chức bơi, lặn, vui chơi giải trí dưới nước trên địa bàn. Các địa phương tiến hành rà soát, cảnh báo nguy cơ mất an toàn cho trẻ tại cộng đồng cũng như tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí an toàn cho trẻ.
Để phòng, chống đuối nước trẻ em, các bộ, ngành và chính quyền, địa phương đã đưa ra những giải pháp thiết thực. Các giải pháp của các địa phương tổ chức các đợt tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở học sinh ý thức chủ động phòng ngừa tai nạn đuối nước (tại Gia Lai, Hòa Bình, Cà Mau, Nghệ An…); Nhiều lớp tập huấn phương pháp dạy bơi được mở cho các giáo viên môn thể dục (tại Sóc Trăng); đầu tư bể bơi, ao bơi ở các địa phương, dạy bơi miễn phí (tại Hải Dương, Quảng Trị…).
Những việc làm trên đã giúp người dân, đặc biệt là các em học sinh hiểu rõ mối nguy hiểm khi tắm sông, suối, ao, hồ nơi vắng vẻ, không có người lớn trực bảo vệ. Các tấm biển cảnh báo không chơi gần những khu vực ao hồ, sông suối đã được dựng lên tuy chưa phủ kín. Nhiều trường học đã dành những giờ học cuối năm, trước khi các em bắt đầu nghỉ hè bằng các buổi trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em; phát những tờ rơi đề nghị sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em; yêu cầu gia đình có ý thức thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, nhất là trong thời gian ngoài giờ học, nghỉ hè, mùa khô và mùa mưa bão.
Đồng thời, hàng năm khi kết thúc năm học, các trường có trách nhiệm bàn giao học sinh về địa phương, nơi cư trú, tổ chức quản lý, sinh hoạt trong hè; tham mưu Ban Chỉ đạo hoạt động hè của xã, phường, thị trấn tiếp tục chỉ đạo hoạt động phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em một cách có hiệu quả; phối hợp với chính quyền địa phương, bố trí kinh phí để mua bể bơi di động (bể bơi thông minh) về dạy bơi cho học sinh ở những nơi hay xảy ra đuối nước và những vùng có nguy cơ cao về đuối nước; thúc đẩy công tác xã hội hóa trong xây dựng và lắp đặt bể bơi…
Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) sẽ hướng dẫn, phổ biến, triển khai thực hiện Luật sửa đổi bổ sung Luật Thể dục thể thao, trong đó: tại Khoản 3 Điều 4, Khoản 1 Điều 21 và Khoản 6 Điều 22 của Luật có quy định về chính sách dành đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và ưu tiên phát triển môn bơi trong nhà trường. Đây là một giải pháp tích cực nhằm mục tiêu phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể, gia đình và nhà trường cùng tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về nhiều mặt mà các địa phương đang gặp phải trong những năm qua.
Tổng cục Thể dục thể thao sẽ tập trung đổi mới về nội dung, chương trình tập huấn, đổi mới về những nội dung dạy trẻ em học bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước; đồng thời hướng dẫn tiêu chí kiểm tra, đánh giá trẻ em biết bơi và kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước. Đây là giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu về chuyên môn và hướng tới mục tiêu chính của Chương trình là giảm thiểu tình trạng trẻ em bị đuối nước mà một số năm trước đây chúng ta mới chú trọng việc dạy bơi, chưa tập trung quan tâm dạy kỹ năng phòng chống đuối nước cho em.