Để có cái nhìn đúng cũng như hướng giải "bài toán khó" này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS, TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Tổng cục Du lịch).
PV: Câu chuyện về nhân lực du lịch Việt Nam "khát" nhân lực chất lượng cao đã được nhắc đến từ lâu, song dường như vẫn chưa có giải pháp thích hợp để khắc phục. Theo ông căn nguyên của vấn đề này là từ đâu?
PGS, TS Phạm Trung Lương:Du lịch cũng như các ngành kinh tế khác, nguồn nhân lực là yếu tố rất quan trọng, nếu không nói là quyết định. Quan trọng hơn,du lịch còn là ngành dịch vụ,là ngành kinh tế về quan hệ con người với con người. Cho nên có một con người không đảm bảo sẽ ảnh hưởng rất nhiều.
Trong khi đó, việc phát triển đội ngũ đến đâu phụ thuộc nhiều vào nhãn quan của người lãnh đạo cao nhất. Tuy nhiên, đã gần 60 năm nhưng ngành du lịch không được cư xử đúng với vị thế, từ quan điểm, nhận thức cho đến hành động đều chưa đến tầm. Từ năm 1994, khi xây dựng chiến lược cho ngành chúng tôi đã đề xuất mô hình học viện du lịch nhưng đến nay dù luôn được nói là ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch vẫn chưa có trường đại học chuyên về du lịch.
Tại sao đưa ra vấn đề này? Bởi vì, yêu cầu của một người lao động quản lý cấp caotrong ngành du lịch là phải quán xuyến, có chiến lược kinh doanh, có tư duy… chứ không phải chỉ cần những người giỏi nghề như các bậc quản lý thấp. Một trường đại học chuyên về du lịch sẽ cung cấp những kiến thức lý luận chung một cách đầy đủ và toàn diện, có tầm nhìn và chiến lược bám sát các chính sách hơn mô hình hiện nay với các trường chuyên về du lịch ở trình độ cao đẳng còn trình độ đại học lại chỉ là các khoa du lịch.
PV: Có một thực tế là nhân lực cao cấp của ngành khách sạn, nhất là quản lý khách sạn cao cấp tại Việt Nam hầu hết phải thuê của nước ngoài. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm và đến nay vẫn chưa có giải pháp nào thay thế. Là do các trường của Việt Nam không đủ năng lực đào tạo, nhân lực Việt Nam chưa đủ tài năng hay do các resort/khách sạn cao cấp chưa có đủ niềm tin vào nhân lực Việt, thưa ông?
PGS, TS Phạm Trung Lương:Hiện nay, nhân sự cấp cao tại các resort/khách sạn của Việt Nam chủ yếu đến từ 3 nguồn là đào tạo tại chỗ, đào tạo trong nước và tuyển dụng từ nước ngoài. Trong đó, số liệu của Lumina Co., công ty phân tích và tư vấn toàn cầu về tất cả các lĩnh vực, hoạt động ở 136 quốc gia, hơn 30 thành phố lớn trên thế giới để điều tra về những vấn đề nóng, trong đó có con số về đào tạo nhân sự du lịch, cho thấy: Hiện nay chỉ có 11% con số những người được đào tạo ra ở Việt Nam có thể được các tập đoàn lớn về du lịch có đầu tư nước ngoài ở Việt Nam chấp nhận sử dụng. Điều này là một thực tế,là yêu cầu và cách nhìn của các tập đoàn quốc tế khi đầu tư ở Việt Nam.
Tôi cho rằng, đào tạo trong nước manh mún như hiện nay thì không thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của nhà tuyển dụng. Hơn nữa, đào tạo còn liên quan ngoại ngữ. Hiện nay, chỉ có Trường đại họcHà Nội có đào tạo nhiều về ngoại ngữ, các chương trình đào tạo trực tiếp bằng tiếng Anh, giảng viên hiểu biết vấn đề mình đi giảng và giảng bằng tiếng nước ngoài.
PV: Về lâu dài, ngành du lịch hoặc các thành phố có ngành du lịch đang phát triển như Đà Nẵng, Hạ Long và Phú Quốc có nên có chính sách khuyến khích xã hội hóa đào tạo nguồn nhân lực du lịch để phục vụ yêu cầu phát triển ngành "công nghiệp không khói" này hay không, thưa ông?
PGS, TS Phạm Trung Lương:Chúng ta nên khuyến khích mô hình liên kết, xã hội hóa để các bên cùng có lợi. Tuy nhiên, liên kết phải thực chất, phải có kế hoạch tổng thể cho kế hoạch liên kết ấy, cụ thể từng lĩnh vực như đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá sản phẩm, nguồn lực để liên kết ở đâu, ai sẽ là chủ thể của liên kết, phải làm rõ trách nhiệm của các bên tham gia… Nếu không trả lời được những câu hỏi đó thì đừng liên kết, vì đó chỉ là hình thức.
Để cải thiện vấn đề nhân lực trong ngành du lịch nói chung và ngành khách sạn nói riêng, chúng ta có thể học tập mô hình Singapore. Nước bạn đã thành công khi tạo ra sự khác biệt trong du lịch của Singapore là môi trường. Hơn nữa, toàn bộ việc đào tạo ngành du lịch của Singapore đều được xã hội hóa. Nhà nước chỉ quản lý về chương trình, đề ra mô hình, quản lý nguồn chất lượng đầu ra còn việc đào tạo, tuyển sinh là việc của doanh nghiệp.
PV: Phú Quốc gần đây đang được xem là điểm đến mới nổi của giới thượng lưu thế giới. Rất nhiều thương hiệu khách sạn nổi tiếng như Accor, JW Marriott, Intercontinental… đã hội tụ tại đây, đòi hỏi một lượng lớn nguồn nhân lực chất lượng cao. Ông đánh giá như thế nào về chất lượng nhân lực của điểm đến này? Theo ông, Phú Quốc cần có chiến lược gì để đào tạo, thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu?
PGS, TS Phạm Trung Lương: Phú Quốc là điểm đến mới nổi của Việt Nam nhưng nhìn chung chất lượng du lịch ở đây chưa đáp ứng được nhu cầu cũng như kỳ vọng. Nhìn tổng thể, nhân lực ở điểm đến này cũng như những điểm đến mới nổi khác của chúng ta hiện nay, nhận thức xã hội chưa đến tầm, tình trạng người dân thiếu hợp tác hoặc hợp tác thái quá làm tính bền vững của điểm đến yếu đi. Hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực ở những nơi này phụ thuộc vào chiến lược của từng doanh nghiệp. Do đó nếu ngay từ đầu nếu chúng ta không quản lý tốt quá trình đó sẽ làm hoạt động du lịch tại địa điểm thiếu bền vững.
Tôi được biết từ đầu những năm 2000 đã có kế hoạch xây dựng một trường đào tạo du lịch ở Phú Quốc nhưng đến nay vẫn chưa làm được. Nhân lực ở Phú Quốc hầu hết hiện nay được mang từ đất liền ra, người dân địa phương ít được nhận vào làm tại các cơ sở du lịch…
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.