Bên cạnh việc mở rộng thị trường tiềm năng, thị trường mới, ngành du lịch phải đồng thời mở rộng nguồn khách và đào sâu các thị trường quen thuộc song song với việc hoàn thiện dịch vụ, quản lý điểm đến trong nước.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, nhờ chính sách thị thực thông thoáng và hiệu quả từ các hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch, cả năm 2024, ngành du lịch đón hơn 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 39,5% so với năm trước và đạt mục tiêu năm (17 - 18 triệu lượt).
Theo đó, khách quốc tế đến từ khu vực châu Á chiếm 79,6%, châu Âu 11,3%, châu Mỹ 5,7% và châu Phi 0,3%. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng ghi nhận động lực tăng trưởng tốt từ khu vực Đông Bắc Á, ghi dấu là thị trường Trung Quốc với số liệu tăng 214,4% so với năm 2023.
Các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Lào, Campuchia, Malaysia, Singapore đều ghi nhận số phần trăm động lực phát triển tăng.
Kết quả đón khách quốc tế năm 2024 cho thấy bức tranh tươi sáng của ngành du lịch Việt Nam. Ngành hoàn thành tốt mục tiêu rất tham vọng đã đặt ra từ đầu năm, đạt tăng trưởng gần 40% so với năm 2023. Đặc biệt, trong bối cảnh một số thị trường chính phục hồi chậm, sự đa dạng hóa và phát triển của nhiều thị trường tiềm năng đã giúp ngành du lịch phục hồi ngoạn mục.
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, điểm nhấn là tập trung đổi mới nội dung, phương thức xúc tiến quảng bá, phát huy cơ chế hợp tác công - tư để triển khai thành công các chương trình xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài.
Trong đó, tập trung vào các nước có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Australia, Nga, Pháp… cùng hàng loạt chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các lễ hội, sự kiện văn hóa, du lịch, hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài; đẩy mạnh hoạt động truyền thông quảng bá trên nền tảng số, kênh CNN.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết để đạt mục tiêu đón từ 22 - 23 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2025, sẽ đa dạng hóa nguồn khách, châu Âu và các nước nói tiếng Anh là những thị trường quan trọng, đặc biệt là những thị trường được hưởng chính sách miễn thị thực đơn phương nhập cảnh vào Việt Nam với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày như Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha…
Và những nước có nhiều đường bay thẳng thuận tiện tới Việt Nam như Australia; đồng thời sẽ tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam, kết nối doanh nghiệp tại các thị trường nói tiếng Trung, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore)…
Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, ngành du lịch sẽ lựa chọn thị trường theo các tiêu chí: Thị trường được miễn thị thực nhập cảnh; có kết nối đường bay thuận lợi; có tiềm năng, khả năng tăng trưởng cao, đồng thời phối hợp với các bên liên quan để tháo gỡ những nút thắt về thể chế phát triển, những điểm nghẽn trong đầu tư phát triển du lịch;
Tập trung khai thác, mở rộng nhiều thị trường trọng điểm và tiềm năng; xây dựng nhiều sản phẩm mới chất lượng cao như du lịch hội nghị (MICE), du lịch golf… đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý, xây dựng sản phẩm để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Cũng theo ông Hà Văn Siêu, Việt Nam có nhiều tiềm năng để đáp ứng các xu hướng du lịch mới của toàn cầu (du lịch bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội); du khách lựa chọn điểm đến ít đông đúc hơn; chuyển đổi từ "tham quan" sang "trải nghiệm"; du lịch chăm sóc sức khỏe; du lịch gia đình đa thế hệ; du lịch nhờ AI thiết kế lịch trình…
Những xu hướng sẽ mở ra hướng phát triển bền vững cho du lịch, vừa khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có, vừa đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách trong bối cảnh toàn cầu hóa và số hóa.
Theo các chuyên gia, ngoài tiếp tục cải thiện chính sách visa, ngành du lịch cần tiếp tục xúc tiến và tìm kiếm và mở rộng thị trường mới, đẩy mạnh các hoạt động vui chơi giải trí để khách kéo dài thời gian lưu trú; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và đẩy mạnh hoạt động quảng bá;
Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư vào cơ sở vật chất, phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, đẩy mạnh liên kết vùng và phát huy lợi thế văn hóa địa phương…
Duy Linh
Báo Lao động và Xã hội số 6