Không ai nhớ rõ nguồn gốc tục lệ
Hỏi về nguồn gốc của tập tục chia tài sản và cách mai táng người chết một cách kỳ lạ của đồng bào mình, già làng Hồ Văn Nghiêm trầm tư: "Tập tục này có từ xa xưa đến giờ, từ đời tổ tiên ông bà để lại, xưa bày thế nào thì đời mình, đời con cháu mình làm theo như vậy, chứ cũng không ai còn nhớ rõ là có từ năm nào, cũng không có sách sổ nào ghi chép lại".
"Cái này cứ thế hệ trước làm thế nào thì con cháu nhìn theo và làm theo thôi chứ cũng không ai còn nhớ rõ dấu mốc ra đời của nó. Đó cũng là nét đặc trưng riêng của dân tộc mình. Cũng nhờ tập tục này mà những năm chiến tranh, người dân lưu lạc sang Lào, đến khi hòa bình lập lại người Vân Kiều dựa vào nguồn gốc này để về tìm lại nguồn cội tổ tiên - nơi họ đã từng sinh sống từ thời khai sinh lập địa", vị già làng cho biết thêm.
Không chỉ già làng mà tất cả người dân nơi đây từ trẻ con đến người lớn - ai cũng biết quá trình chia tài sản và mai táng người đã chết, nhưng không một ai biết có từ khi nào.
Khu rừng ma kỳ bí
Từ việc chia tài sản cho người chết và tập tục mai táng kỳ lạ đến những câu chuyện khu rừng mà kỳ bí khiến cả bản phải sợ hãi khi nhắc đến, bất kể người già hay trẻ nhỏ khi nghe hỏi đến nghĩa địa - nơi mai táng người chết thì ai nấy đều tỏ ra sợ sệt và nói đó là khu rừng ma, nơi có những con ma rừng rất ghê gớm.
Để tìm hiểu nguyên nhân khiến người dân nơi đây gọi nghĩa địa là khu rừng "ma", chúng tôi đã trò chuyện với những người có uy tín trong bản thì được biết khu rừng này rất linh thiêng và rùng rợn.
Anh Hồ Văn Kiên cho biết: "Bãi nghĩa địa này có từ rất lâu rồi, từ trước đời ông đời bà để lại đến bây giờ. Mỗi khi trong bản có người chết thì cả bản tập trung lại đưa vào đây mai táng. Vì trước đây khó khăn, chưa biết làm quan tài nên cuốn chiếu hoặc cuốn bằng tấm mên làm từ cây tre rừng, sau một thời gian mưa xói thì 1 số bộ phận hài cốt và vật dụng chôn theo nổi lên mặt đất. Việc đó làm cho người dân trong bản rất sợ hãi và không dám đến gần bãi nghĩa địa nên gọi là khu rừng ma".
"Hiện chỉ còn những hộ gia đình quá khó khăn không có tiền đóng quan tài mới phải cuốn chiếu, còn những gia đình có điều kiện hơn đã biết xẻ gỗ trong rừng về đóng thành quan tài rồi mai táng người chết", anh Kiên cho biết thêm.
Anh Hồ Văn Căn chia sẻ: "Người dân ở đây khi mai táng người chết xong là không làm đám giỗ như người đồng bằng, chết chia tài sản là hết rồi đó. Đã chết là thành con ma ở trong rừng rồi vĩnh viễn không được quay về nhà nữa, người sống không ai dám đến gần. Ở ngoài đồng bằng, người ta dọn vén, xây dựng mộ cho người đã chết, chứ ở đây ai muốn đụng vào ngôi mộ của người chết là phải nộp phạt một con trâu để cũng ma".
Thay vì thờ cúng người đã chết trên bàn thờ như người đồng bằng, đồng bào người Vân Kiều sẽ đặt lên trên trần nhà 1 cái chén để tưởng nhớ người chết.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện Ban văn hóa xã Sơn Trạch cho biết: Về những tập tục này thì vẫn chưa tìm hiểu rõ, chỉ mới có nghe nói qua, chứ cũng không có một sách sổ nào ghi chép lại. Trong thời gian qua, Uỷ ban xã cũng thường xuyên cử cán bộ vào bản tuyên truyền người dân thực hiện đăng ký giấy kết hôn, làm khai sinh cho con nhỏ. Vận động người dân không nên tảo hôn, lấy vợ chồng cận huyết thống; từ bỏ, không tổ chức và truyền bá mê tín dị đoan; đau ốm, sinh đẻ thì nên đến bệnh viện chứ không cúng ma...