Theo VTV, Ấn Độ đang là "tâm chấn" của thế giới trong đại dịch COVID-19 khi số ca mắc mới liên tục duy trì hơn 300.000 ca trong khi các bệnh viện rơi vào cảnh thiếu hụt oxy y tế nghiêm trọng.
Chính phủ Ấn Độ đã triển khai máy bay và tàu hỏa quân sự để vận chuyển oxy từ các khu vực khác của đất nước và nước ngoài đến thủ đô New Delhi.
Theo công bố ngày 25/4, trong vòng 24 giờ qua, Ấn Độ có thêm 349.691 ca nhiễm mới và 2.767 ca tử vong, nâng tổng số người dương tính từ đầu dịch đến nay lên hơn 16,9 triệu người, với hơn 2,68 triệu ca bệnh đang được điều trị.
TTXVN cũng đưa tin, đáng lo ngại, Thụy Sĩ đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Ấn Độ. Ca bệnh này là một hành khách quá cảnh hàng không tại Thụy Sĩ và không đến trực tiếp từ Ấn Độ. Hiện nhà chức trách Thụy Sĩ đang tiến hành tham vấn về việc liệu có đưa Ấn Độ vào danh sách các nước có nguy cơ cao, theo đó, người dân đến từ quốc gia Nam Á này sẽ phải cách ly ngay tại điểm đến.
Cùng ngày, Italy cũng đã áp đặt hạn chế đi lại với Ấn Độ, cấm những người từng ở Ấn Độ trong 14 ngày qua nhập cảnh quốc gia châu Âu này. Công dân Italy chỉ được phép trở về từ Ấn Độ khi có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính tại điểm khởi hành và điểm đến, sau đó sẽ phải cách ly.
Trong khi đó, giới chức Lào và Thái Lan hết sức cảnh giác trước trước tình trạng số ca nhiễm mới gia tăng. Lào đang tăng cường năng lực ứng phó với dịch bệnh như tăng số phòng điều trị bệnh nhân nặng, xây dựng bệnh viện dã chiến, kêu gọi người dân hạn chế ra đường và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp y tế phòng dịch. Ban chỉ đạo quốc gia Lào về phòng chống COVID-19 chiều 25/4 xác nhận nước này có thêm 76 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 64 ca ở thủ đô Viêng Chăn...
Điều đặc biệt lo ngại là số tỉnh có ca mắc mới ngày một tăng, cho thấy bệnh dịch đang có xu hướng lan rộng tại Lào, trong đó có nhiều tỉnh tiếp giáp Việt Nam (Lào và Việt Nam mỗi bên có 10 tỉnh tiếp giáp nhau). Đến thời điểm hiện tại, đã có 16/18 tỉnh/thành của Lào thực hiện phong tỏa và giới nghiêm.
Trong khi đó, Ủy ban về các bệnh truyền nhiễm của Thái Lan đã quyết định đình chỉ việc tiếp nhận tất cả những người nước ngoài từ Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh nhập cảnh vào quốc gia Đông Nam Á này để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm một biến thể của virus SARS-CoV-2 mới xuất hiện.
Theo báo cáo mới nhất, trong 24 giờ qua, Thái Lan ghi nhận thêm 2.438 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 11 ca tử vong do COVID-19. Đây là lần đầu tiên số ca tử vong trong ngày là số có hai chữ số. Như vậy, kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 55.460 ca nhiễm và 140 ca tử vong.
Trước nguy cơ thiếu giường bệnh dành cho bệnh nhân COVID-19, các cơ quan chức năng của Thái Lan đang chạy đua với thời gian để nâng khả năng tiếp nhận với mục tiêu chính là tăng số giường ICU điều trị bệnh nhân nặng, thành lập các bệnh viện dã chiến và chuyển đổi một số khách sạn thành bệnh viện-khách sạn dành cho những bệnh nhân nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Bộ Y tế Thái Lan cũng đã phải tính đến phương án cho phép các bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ được tự cách ly và điều trị tại nhà, dành các giường bệnh ở bệnh viện cho bệnh nhân nặng và giảm sức ép đối với hệ thống y tế.
Dịch COVID-19 đã lan ra khắp 22/25 tỉnh thành của Campuchia, trong đó tỉnh Banteay Meanchey giáp giới với Thái Lan lần đầu tiên đã công bố một số điểm nóng dịch bệnh. Theo số liệu do Bộ Y tế Campuchia công bố chiều 25/4, số ca nhiễm mới theo ngày ở nước này vẫn ở mức 3 chữ số, với 616 trường hợp.
Trong khi đó, Malaysia, Indonesia và Philippines tiếp tục ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới, phần lớn là lây nhiễm trong cộng đồng. Trong tuần tới, lực lượng chống COVID-19 liên ngành của Philippines sẽ đưa ra quyết định về gia hạn hay nới lỏng các biện pháp phong tỏa tại khu vực thủ đô Manila cùng 4 tỉnh có tỷ lệ lây nhiễm cao. Dự kiến, lệnh phong tỏa phòng dịch sẽ kết thúc vào ngày 30/4.